Giảm rác thải nhựa trong học đường

26/09/2024 - 07:37

 - Nhận thức về tác hại và hành động để hạn chế chất thải nhựa, thời gian qua, nhiều trường học đã có những mô hình, sáng kiến hay trong giảm rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.

Chi đoàn thanh niên Trường THCS Vĩnh Trạch (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) đã phát huy sức trẻ, tham mưu ban giám hiệu nhà trường xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình “Lớp học xanh - Trường học đẹp”. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, diện mạo cảnh quan cải thiện. Đây là một trong những mô hình được huyện đánh giá cao, góp phần đưa xã Vĩnh Trạch thực hiện thắng lợi 19/19 tiêu chí, 75/75 chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm 2023. Ban Giám hiệu trường đã chú trọng triển khai đến cán bộ quản lý, Ban Chấp hành chi đoàn, giáo viên, nhân viên và phụ huynh thông qua họp hội đồng, họp chi bộ, qua Zalo với phụ huynh. Qua triển khai, tất cả thống nhất việc xây dựng mô hình, tích cực tham gia và đóng góp hoa kiểng cho lớp, đồng thời thực hiện tốt các nội dung xanh - sạch - đẹp - an toàn trong nhà trường.

Thầy Huỳnh Công Tài, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Trạch cho biết: “Để đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, xanh - sạch - đẹp. Thời gian qua, Ban Chấp hành Chi đoàn trường phối hợp Xã đoàn Vĩnh Trạch triển khai mô hình “Lớp học xanh - Trường học đẹp”. Bước đầu triển khai mô hình mang lại hiệu quả khá cao, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường”.

Ngôi nhà “kế hoạch nhỏ” của Trường THCS Vĩnh Trạch

Bên cạnh đó, chi đoàn trường còn thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa” qua mô hình “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”. Nhằm tiết kiệm chi phí mua thùng rác, chi đoàn đã thiết kế nhà lưới đựng rác thải tái chế. Khối lượng rác sau khi phân loại mỗi ngày được bán với giá 8.000 đồng/kg, bình quân hàng tháng, nhà trường thu được số tiền trên 2 triệu đồng, dùng để trả tiền phí vệ sinh tại trường và bổ sung kinh phí tổ chức các hoạt động Đoàn, Đội, góp phần tạo môi trường sạch - đẹp trong khuôn viên trường học.

Triển khai lồng ghép giáo dục, truyền thông về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa, các phong trào thi đua tại trường học là việc làm thường xuyên của Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu). Từ năm học 2024 - 2025, trường triển khai mô hình phân loại rác thải thành tại nguồn. Cụ thể, rác thải được phân thành 3 loại: Rác thải tái chế (tài liệu, giấy tập, giấy nháp, giấy A4, ly nhựa, chai nhựa…); rác thải không tái chế có thể dễ đốt cháy (lá cây, bọc ny-lon, hộp cơm…) và rác thải hữu cơ không tái chế và khó đốt cháy (thức ăn thừa, các loại nước sốt có mùi…).

“Tại các phòng học không sử dụng sọt rác, chỉ trang bị chổi, cây lau và dụng cụ hốt rác. Các lớp khi phân công học sinh trực vệ sinh, sau khi vệ sinh quét lớp xong phải thực hiện bỏ đất, cát ở khu vực đất sân trường, phần rác phải phân loại thành 3 loại như trên và gom từng loại bỏ vào các thùng rác đúng với phân loại được bố trí ở khu vực quy định. Đối với từng học sinh, phải nâng cao nhận thức, tuyệt đối không bỏ rác trong hộc bàn, góc lớp. Khi ăn uống xong, cần lưu ý phân loại rác thải thật kỹ trước khi bỏ vào khu vực quy định. Những rác thải tái chế được thì trường gom lại định kỳ bán lấy tiền làm quỹ vận hành phân loại xử lý rác, nếu có dư thì hỗ trợ học sinh khó khăn. Rác thải không tái chế mà đốt được thì đem đốt trong lò đốt của trường. Rác thải hữu cơ không tái chế, khó đốt cháy thì gom lại để bảo vệ tập kết cho xe rác công trình đô thị thu gom. Thời gian đầu, học sinh chưa quen với việc phân loại rác tại nguồn này nhưng giờ đã dần quen và đi vào nền nếp” - thầy Phan Hữu Hạnh, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Quang Diêu chia sẻ.

Đầu năm học 2024 - 2025, Trường THPT Nguyễn Quang Diêu đã triển khai xây dựng mô hình lò đốt rác thải. Chỉ mới đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, nhưng mô hình này đã mang lại hiệu quả cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Vì thu gom rác không khó, nhưng xử lý sao cho hợp vệ sinh lại là chuyện đáng bàn. “Ban giám hiệu nhà trường đã nghiên cứu và quyết định xây lò đốt rác thải để tiện thu gom và xử lý. Kinh phí xây dựng 1 lò đốt rác và mô hình phân loại rác tại nguồn được thực hiện từ nguồn xã hội hóa từ các nhà hảo tâm, với kinh phí khoảng 10 triệu đồng. Lò đốt rác của trường có chiều rộng hơn 2m, chiều cao hơn 3m, phía trên có nắp đậy kín. Tất cả các loại rác thải hữu cơ đều được đốt cháy, tro từ lò đốt còn được dùng để bón phân cho các bồn hoa của liên đội” - thầy Hữu Hạnh nói thêm.

Tuy chỉ là những sáng kiến nhỏ, nhưng những mô hình trên của các trường đã góp phần lớn trong việc nâng cao nhận thức của học sinh về bảo vệ môi trường, cần được nhân rộng.

PHƯƠNG LAN