Giàn chanh dây giữa núi rừng

03/09/2022 - 19:28

 - Trong một chuyến tham quan Thiên Cấm Sơn (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), chúng tôi vô tình lạc vào mấy giàn chanh dây (chanh leo) của người dân bản địa. Nhỏ thôi, nhưng đủ sức níu chân du khách, ai cũng dừng lại ngắm nhìn.

Ngoài đặc sản bơ, dâu đã tạo thành thương hiệu trái cây núi Cấm, gần đây, người dân còn tận dụng đất trống trồng thêm chanh dây. Loại cây này dần chứng tỏ khả năng bám đất núi, sinh trưởng tốt và cho trái trĩu giàn. Chị Nhịn (36 tuổi) thấy hiệu quả, nên trồng 2 bụi chanh dây trước nhà. Từ Tết Nguyên đán đến giờ, chị gom được bạc triệu tiền bán trái.

Sau 6-7 tháng, cây bắt đầu bò lên giàn, rồi cho trái đều đặn, nhìn thấy ham. Trái già sẽ có màu hơi ngả vàng như thế này, cầm lên cảm thấy nhẹ bẫng tay. Từ lúc trái già cho tới chín phải mất 5-7 ngày. Thi thoảng, vẫn có côn trùng cắn phá, khiến vỏ ngoài sần sùi, nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng bên trong.

Khách đi qua lại, thấy lạ mắt, hỏi mua liên tục, đến mức trái chín không kịp. Giá bán tại vườn là 25.000 đồng/kg, không thông qua trung gian, thương lái, vì không nhiều đến mức thương lái thu gom. Có hôm, khách đến đông quá, mà vườn chỉ còn trái non, mọi người đành ngậm ngùi chọn mua trái cây khác.

Một giàn chanh dây khác, xuất hiện trái chín, chuyển dần sang màu tím. Màu tím càng đậm, vị ngọt càng thơm và càng rõ nét.

Theo chị Nhịn, ngoài bổ làm đôi, múc ăn liền, thì cách dùng phổ biến nhất đối với chanh dây là pha cùng một ít đường, nước đá, rồi chậm rãi thưởng thức. Mùi thơm đặc trưng của chanh dây, cùng vị chua chua vừa phải, hứa hẹn là loại thức uống hợp khẩu vị ở lưng chừng núi, xua tan mệt mỏi của quá trình “trèo đèo lội suối”. Đặc biệt, số lượng giàn chanh dây chưa nhiều, chưa bán số lượng lớn, nếu muốn trải nghiệm loại trái cây này, khách phương xa chỉ còn cách tìm đến tận nơi tham quan, tự tay hái và cảm nhận hương vị!

KHÁNH ĐĂNG