Giận để yêu hay lại... tiêu tùng?

07/07/2019 - 14:29

Nếu ví hôn nhân là thành quả ngọt ngào của hai trái tim đã ngả về nhau thì vị ngọt hôn nhân đó dài đậm bao lâu thường không nằm ở những lời hẹn thề, mà tùy vào việc bạn và người ấy kiểm soát cơn giận "chuyên nghiệp" tới đâu!

Cơn giận đã qua, hãy nhớ lại những thời khắc hạnh phúc - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cơn giận có thể bùng phát ở mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng trong hôn nhân, sự giận dữ còn phát triển ở nhiều hình thái đôi khi chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Lòng chung thủy và những... rủi ro

Tôi nhớ thời sinh viên, tôi và một cô bạn người Cà Mau tập chung vở kịch cho khoa. Vấn đề là cô bạn này mới lấy chồng. Người chồng rất yêu cô bạn tôi nên bỏ thời gian lên Sài Gòn để chăm lo mọi thứ cho vợ.

Một ngày kia, cô bạn tôi sợ hãi dẫn tôi đi gặp chồng để tôi... xin lỗi người chồng. Thì ra anh chồng này đã theo dõi và rất giận tôi và vợ anh, vì cả hai cứ gặp nhau và còn "múa may" động chạm nhau. Sau một hồi tôi giải thích "là do chúng tôi cùng tập kịch", anh chồng mới nguôi và anh bắt đầu giận vợ vì "tại sao em không nói mọi người biết em đã có chồng?".

Có thể nói, việc đòi hỏi lòng chung thủy ở bạn đời đôi khi sẽ thúc đẩy những giận dữ cũng như gây nên những sự tan vỡ trong cuộc sống lứa đôi. Nhiều người chồng, người vợ cũng vì quá giận dữ khi người kia không chung thủy, dẫn đến ghen tuông mù quáng, nên họ đã trở thành "sát thủ" và gây ra cái kết đau lòng, tan vỡ cả một tổ ấm.

Hờn nhau vì vụn vặt, cạch mặt vì lỗi lầm

Ngoài câu chuyện chung thủy, những cơn giận của cuộc sống lứa đôi lại dễ dàng xảy ra vì những lý do vụn vặt trong cuộc sống, với muôn hình vạn trạng của tâm trạng giận hờn với nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau.

Hai người bạn đồng nghiệp đã kể với tôi về câu chuyện của họ lúc trà dư tửu hậu. Anh bạn thứ nhất là nhân viên hiện trường ở các đoàn phim. Mùa mưa năm rồi, anh hầu như thất nghiệp và phải ở nhà tiêu tiền vợ. 

Nhưng vợ anh là dân buôn bán, ngày nào cô ấy cũng tính toán chi tiêu việc nhà kỹ đến từng... gói thuốc lá. 

Anh bạn này điên lên và nhất quyết "không xài một cắc nào" tiền vợ nữa. Thế là từ đó, anh ta tìm cách xoay xở mọi thứ cho mình. Nhiều lúc vợ anh buôn bán về muộn nên mua cơm "ship" về cho anh, anh nhất quyết bỏ luôn hộp cơm vì nhìn tiền vợ là anh hờn, bực. Hai vợ chồng cứ sống song song với nhau.

Người bạn còn lại kể trong lần nọ, anh đòi vợ "chiều", nhưng vì lý do nào ấy, vợ anh cương quyết không "chấp hành". Thế là anh bạn này giận điên lên và quyết không thèm đụng chạm vợ cả tháng trời. Sau đó vợ anh bạn này cũng ôm con bỏ về quê, cạch mặt chồng vì cô tin rằng anh này lăng nhăng bên ngoài.

Giận thì giận... nhưng thương vẫn thương

Tâm trạng giận dữ rất dễ xuất hiện trong mọi hoàn cảnh, và để kiểm soát được tâm lý này cũng như thực hành được trạng thái tử tế ngay cả khi đang giận luôn là việc nói dễ hơn làm. Nhất là khi cuộc sống lứa đôi luôn tiềm tàng "mầm mống" cho những cơn giận hờn ở mọi cấp độ dễ nảy sinh, ươm mầm xung đột.

Ngạn ngữ Hi Lạp có câu "hậu quả cơn nóng giận bao giờ cũng nghiêm trọng hơn nguyên nhân", mà nguyên nhân của những cơn giận từ đời sống hôn nhân thì vô vàn kiểu. 

Cho nên, cách đơn giản nhất để nhanh chóng dập tắt những giận hờn này là cần biết im lặng trong cơn giận. Im lặng để có cơ hội được nói ra. Qua cơn giận rồi, những lời nói thật, chân tình sẽ hiệu quả và đầy tính xây dựng, ngăn ngừa hơn là lúc cả hai cố tranh cái lý về mình trong cơn giận bùng phát.

Giận nhau để rồi thương nhau vẫn hay hơn là giận nhau để rồi phải chia tay. Mà muốn làm được như vậy, chúng ta phải cho sự giãi bày một cơ hội.

Theo TẠ TƯ VŨ (Tuổi trẻ Online)