Ảnh minh hoạ: Unplash
Trong hàng trăm năm qua, tình trạng thiếu vitamin A đã gây khó khăn cho các nước nghèo ở khu vực châu Phi cận Sahara và một số nước Đông Nam Á. Tình trạng này đã làm trẻ em chậm phát triển, gây mù lòa và làm suy yếu đáng kể khả năng ngăn ngừa các căn bệnh chết người có thể điều trị được, như tiêu chảy và sởi.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 190 triệu trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo trên toàn thế giới bị thiếu vitamin A và suy dinh dưỡng, chiếm 6% số ca tử vong ở trẻ nhỏ chỉ riêng ở châu Phi. Song rất may, một giải pháp khả thi và rẻ tiền có thể ngăn tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin A, có thể sẽ xuất hiện trong tương lai rất gần.
Uganda là một trong số các quốc gia châu Phi đang chiến đấu với nạn suy dinh dưỡng. Một nhóm nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia Uganda đã phối hợp với nhà khoa học nông nghiệp người Australia James Dale và Quỹ Bill và Melinda Gates, để phát triển một giống chuối biến đổi gien, chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết ngăn suy dinh dưỡng.
Dự án Banana21 khởi động từ năm 2005, và sau 18 năm đầu tư, với những thất bại và nỗ lực không ngừng nghỉ, các nhà khoa học cuối cùng đã tạo ra một loại chuối có khả năng cứu sống hàng triệu trẻ em.
Các loại chuối biến đổi gien kháng sâu bệnh, nấm hoặc chịu hạn hán tốt hơn đã từng được nhân giống. Nhưng đây được cho là lần đầu tiên chuối biến đổi gien thành công để hoạt động như một chất bổ sung dinh dưỡng cho con người.
Theo National Geographic, loại siêu chuối này đã sẵn sàng nhân giống, nhưng các nhà khoa học vẫn đang chờ sự chấp thuận của chính phủ. Tuy nhiên, nỗ lực này có thể gặp rào cản đáng kể, nếu xét đến việc phản đối trồng thực phẩm biến đổi gien ở Uganda. Các nhà khoa học hy vọng giới chức sẽ xem xét đến minh chứng ở Kenya – khi giới chức gần đây đã dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài hàng thập kỷ đối với cây trồng biến đổi gien.
Tại các nước có nền kinh tế phát triển, tình trạng thiếu Vitamin A gần như đã biến mất nhờ bổ sung thực phẩm chức năng.
Theo Báo Tin Tức