Trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số Khmer học chữ viết của dân tộc mình trong trường học và các chùa Nam tông Khmer
Tri Tôn là huyện miền núi, có 32% đồng bào DTTS Khmer sinh sống; 7 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trên địa bàn huyện có 37 chùa Nam tông Khmer và 54 đơn vị trường học từ mầm non đến THCS. Trong đó, có 7 trường tiểu học và Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn được tổ chức dạy tiếng Khmer theo chương trình chính khóa. Đây là những điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác giữ gìn và đào tạo chữ viết của đồng bào DTTS Khmer. Ngoài các trường tổ chức chương trình dạy - học chính khóa, các chùa Nam tông Khmer trên địa bàn cũng tổ chức dạy học vào dịp nghỉ hè hàng năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, quá trình đào tạo chữ viết của đồng bào DTTS Khmer được huyện quan tâm thực hiện từ trước năm 1990. Thời điểm đó, UBND huyện giao Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thực hiện, đưa ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS Khmer giảng dạy chính khóa trong các trường phổ thông, trường tiểu học có đồng bào Khmer sinh sống. Hai năm sau, huyện Tri Tôn thành lập Trường THPT Dân tộc nội trú An Giang, tiếng Khmer cũng được đưa vào dạy chương trình chính khóa. Năm học 2015 - 2016, ngôi trường này được tách thành Trường THPT Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn.
Đến nay, quy mô trường, lớp học tăng so với thời gian trước, cấp tiểu học có 7 trường và cấp THCS có 1 trường dạy tiếng DTTS Khmer, tổng số 1.777 học sinh. Vào dịp hè, mỗi năm, có từ 20 - 30 lớp dạy chữ viết của đồng bào DTTS Khmer trong nhà chùa, quy mô từ 800 - 900 em theo học. Các lớp này được chùa phối hợp rất tốt với nhà trường, địa phương để thực hiện, không chỉ tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS Khmer học tập được chữ viết của dân tộc mình, mang lại hiệu quả giáo dục ngôn ngữ, mà còn dạy đạo đức, văn hóa dân tộc cho các em.
Hòa thượng Chau Sơn Hy, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Tri Tôn cũng xác nhận mặt hiệu quả, tích cực này. “Trong hè, các chùa tổ chức lớp dạy chữ Khmer, các lớp nhạc ngũ âm, múa cơ bản… cho thiếu nhi, góp phần cùng với cộng đồng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” - hòa thượng Chau Sơn Hy chia sẻ. Học trong chùa, các em có nhiều thời gian gần gia đình, được vui chơi, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Đa số các em tỏ ra rất hứng thú vì có thể nghe tốt, đọc, viết được tốt hơn và tiếp thu nhanh qua các trò đố vui, trò chơi dân gian có thưởng.
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn tiếng Khmer được giảng dạy ở các trường học vùng DTTS và Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn là môn tự chọn. Chất lượng các giáo viên dạy môn này đều đảm bảo năng lực, đáp ứng yêu cầu của chương trình. Thời gian qua, huyện Tri Tôn còn quan tâm đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy tiếng dân tộc Khmer. Riêng năm 2024, từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục đã sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị số tiền 9,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí sự nghiệp, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, các trường học đã được duy tu, sửa chữa cơ sở, mua sắm thêm thiết bị dạy học.
Trên địa bàn huyện Tri Tôn, so bình quân chung của tỉnh, số hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao; chất lượng giáo dục còn thấp. Đối với các em là DTTS Khmer, học tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2. Trong khi đó, giáo viên dạy ở các trường vùng DTTS còn hạn chế về tiếng Khmer nên công tác phối hợp, giao tiếp với học sinh và phụ huynh học sinh còn nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang, để thực hiện tốt công tác giữ gìn và đào tạo chữ viết đồng bào DTTS Khmer trên địa bàn, huyện sẽ tranh thủ các chính sách, chương trình hỗ trợ để thực hiện các chương trình đào tạo có liên quan. Tùy từng thời điểm và điều kiện cụ thể, huyện cũng có các giải pháp phù hợp khác để thực hiện công tác này.
Tiếng nói, chữ viết của mỗi DTTS ở huyện Tri Tôn nói chung và cộng đồng DTTS Khmer nói riêng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, góp phần hình thành kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Chính vì vậy, việc dạy và học chữ Khmer cần được quan tâm, chia sẻ thường xuyên, tích cực tuyên truyền để lan tỏa những giá trị đẹp. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để giữ gìn ngôn ngữ cho đồng bào DTTS Khmer, tránh nguy cơ mai một. Mặt khác, công tác này còn có vai trò quan trọng trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Vì vậy, rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng.
MỸ HẠNH