Giao dịch tại ATM được giữ thông suốt dịp Tết. Ảnh: QUANG MINH
Cung ứng đủ tiền mặt
Những năm trước đây, vào thời điểm này chúng ta luôn bắt gặp những hàng người tấp nập ra, vào các cây ATM để thực hiện giao dịch rút tiền. Năm nay, thậm chí càng những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tình hình này lại có vẻ trầm lắng. Thực tế ghi nhận những ngày đầu tháng 2 vừa qua trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội, dù lượng giao dịch rút tiền bắt đầu tăng cao hơn so với những tháng trước, song các giao dịch diễn ra khá nhanh chóng và thông suốt, không xảy ra sự cố đáng chú ý nào. Tại một số khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân, hiện tượng xếp hàng chờ đợi để đến lượt rút tiền vẫn diễn ra, tuy nhiên so với các năm trước đó, đã giảm tải đi rất nhiều. Đơn cử như tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), do có mật độ công nhân lao động đông đảo nên khu vực rút tiền luôn được bố trí nhiều cột ATM thuộc các ngân hàng khác nhau. Điều này cũng giúp tạo điều kiện để người lao động giao dịch thuận tiện, tránh dồn cục tại một vài điểm. "Nếu so với dịp gần Tết Nguyên đán năm trước thì năm nay, người đến rút tiền đỡ phải xếp hàng chen chúc hơn, chưa kể các sự cố như nuốt thẻ, hay máy không "nhả" tiền cũng ít xảy ra hơn" - anh Thành, công nhân Công ty TNHH linh kiện điện tử SEI (khu công nghiệp Thăng Long) nhận xét.
Thực tế, trước nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, các ngân hàng thường chủ động điều hòa cung ứng tiền mặt, bảo đảm vận hành dịch vụ thanh toán, hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt, tạo thuận tiện cho khách hàng giao dịch. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh TP Hà Nội, thời điểm này, đơn vị đã thực hiện công tác cung ứng tiền mặt phục vụ Tết cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Từng TCTD sẽ phải lập kế hoạch nhu cầu tiền mặt phục vụ Tết Tân Sửu 2021. Riêng đối với hệ thống ATM, NHNN chi nhánh TP Hà Nội đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn nâng cao chất lượng các dịch vụ, chủ động bố trí cán bộ trực cả 24 giờ vận hành hệ thống kỹ thuật, bảo đảm hoạt động các giao dịch thanh toán thẻ ATM/POS an toàn, thông suốt,...
Về công tác bảo đảm hoạt động ATM, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, ngân hàng đã chuẩn bị đáp ứng đầy đủ các yêu cầu rút tiền của các khách hàng. Trong đó, với hoạt động chuyển tiền và rút tiền ở ATM, các chi nhánh luôn bảo đảm đầy đủ 24 giờ mỗi ngày.
Mới đây nhất, NHNN có Văn bản số 684/NHNN-VP ngày 28-1 đề nghị các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cụ thể, NHNN yêu cầu Cục Phát hành và Kho quỹ chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung chỉ đạo tổ chức tốt công tác điều hòa, cung ứng tiền mặt, đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; Vụ Thanh toán chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống thanh toán quan trọng, hệ thống ATM nhằm phát hiện, cảnh báo để kịp thời ngăn chặn, hạn chế rủi ro có thể xảy ra; NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường công tác bảo vệ, công tác phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm an toàn tài sản, trụ sở, kho tiền, thống nhất kế hoạch thu, chi tiền mặt trong những ngày nghỉ Tết với các TCTD trên địa bàn để bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt cho hệ thống ATM;...
Khuyến khích thay đổi thói quen thanh toán
Có thể nói, thanh toán không tiền mặt đang trở thành xu hướng của xã hội hiện đại. Bởi nó không đơn giản chỉ là một phương thức thanh toán, mà đằng sau đó, là nhiều vấn đề xã hội khác như: chống gian lận thương mại, tiết kiệm chi phí in tiền, hạn chế được tình trạng quá tải tại các máy ATM,... Điều đáng nói là trong thời điểm hiện tại, khi cả nước đang chung tay phòng, chống dịch Covid-19, thì phương thức thanh toán không tiền mặt cần được khích lệ để người dân sử dụng thường xuyên hơn.
Theo thống kê của NAPAS, năm 2020, số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 đã vượt qua số lượng giao dịch rút tiền ATM và chiếm gần 66,6% tổng số lượng giao dịch mà hệ thống NAPAS xử lý. Tổng giá trị giao dịch chuyển mạch ATM (rút tiền mặt) chiếm 84,4% tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS vào năm 2015 song đã giảm mạnh và chỉ chiếm 5,4% vào năm 2020. Các con số này cho thấy thị trường thanh toán đã có sự dịch chuyển rõ nét. Các sản phẩm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ mới trên nền tảng internet banking, mobile banking, thanh toán trực tuyến dần chiếm tỷ trọng lớn, thay thế dịch vụ chuyển mạch các giao dịch rút tiền trên ATM.
Mặt khác, nhằm bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt, đúng quy định, phục vụ tốt nhu cầu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình giao dịch qua ATM, ưu tiên xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp ATM nuốt thẻ của khách hàng; có biện pháp phù hợp đối với ATM tại các địa bàn thường xảy ra hiện tượng quá tải do nhu cầu giao dịch của khách hàng tăng đột biến như: tăng cường hoạt động ATM lưu động (đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã trang bị ATM lưu động). Yêu cầu của NHNN cũng đặc biệt nhấn mạnh việc các ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại ATM cũng như góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Như vậy có thể thấy, một trong những giải pháp để giảm tải ATM dịp Tết là ưu tiên sử dụng thanh toán không tiền mặt. Các chuyên gia tài chính cũng khuyến cáo người dân nên lựa chọn các hình thức thanh toán phi tiền mặt, vừa tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.
Theo HỒNG ANH (Nhân dân)