Căn nhà ấy của ông Phạm Văn Thành. Muốn bước vào trong, phải đi qua ngổn ngang khung đèn lồng, chất cao rối mắt. Nhưng bấy nhiêu đó là công sức hàng tháng trời của mấy người thợ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư xóm này.
Ở cách nhà ông Thành chỉ vài căn, mỗi lúc rảnh rỗi, anh Nguyễn Văn Hận (sinh năm 1978) lại chạy sang phụ giúp chút đỉnh. Nói “chút đỉnh” vậy chứ, anh toàn đỡ đần việc nặng, như đốn tre, chở từ vườn về, rồi tỉ mẩn róc thành từng thanh nhỏ. Sản phẩm hoàn thành, anh lại chất lên xe lôi, chở tận nơi cho khách.
Thanh tre sau khi chuốt gọn, lại được khứa nhẹ để bo góc, bắt đầu tạo hình dáng cho lồng đèn.
Thí dụ như chiếc lồng đèn ông sao này, cần 15 thanh tre tổng cộng. Một thanh tre dài sẽ được “gấp” lại theo tỷ lệ phù hợp, cùng với 1 thanh tre rời làm “thước đo”. Chiếc lồng đèn chuẩn có các khoảng trống khớp với “thước đo”. Mỗi thanh đều được đánh số, sắp xếp theo thứ tự, chứ không phải muốn làm thanh nào thì làm.
Một chiếc lồng đèn hình búp măng non được ghép từ 2 khung khác nhau. Anh Nguyễn Phước Hưng (sinh năm 1978) sống bằng đủ nghề, cũng dành chút thời gian rảnh rỗi sang phụ giúp ông Thành. Ngặt nỗi, y như anh Hận, anh Hưng không thể nào dán giấy bóng được. Họ chỉ giỏi làm khung lồng đèn mà thôi.
Ông Thành đến với nghề làm lồng đèn trung thu truyền thống không phải từ… truyền thống gia đình. Hồi nhỏ, được thầy cô dạy làm lồng đèn, ông học rồi để cuộc sống kéo mình đi, chưa từng lưu tâm. Đến khi thành gia lập thất, ông làm lồng đèn cho con đem vào trường vui hội trăng rằm. Có người thấy lồng đèn đẹp quá, hỏi mua. Con ông đồng ý cái rụp. Nghe vậy, ông trách yêu: “Con biết bán, không lẽ ba không biết?”. Kể từ đó, ông bắt đầu dành 4 tháng trong năm để theo nghề. Thấm thoắt, thế mà đã hơn 30 năm…
Nghề tình cờ, dần trở thành nghiệp. Mỗi mùa Trung thu, có khi ông làm được gần 1.000 cái, chỉ bằng đôi tay này. Mỗi chiếc lồng đèn ra đời phải trải qua hàng loạt công đoạn thủ công, mà công đoạn nào cũng tỉ mỉ, cần sự khéo léo của người làm. Ngồi trò chuyện với tôi, ông cứ “rầu”: “Tôi đang nợ khách hàng khoảng 200 cái lồng đèn, trong khi mỗi ngày làm hết tốc lực cũng chỉ được 10 cái mà thôi”.
Ông bảo, giữ nghề được đến lúc này, là bởi lòng ông có 2 chữ: Đam mê. Lục tuần rồi, sức khỏe giảm sút nhiều, ông vẫn phải mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Chỉ bắt đầu vào tháng 5 âm lịch, ông mới ở nhà, túc tắc làm lồng đèn, từng cái, từng cái một, để dành mùa Trung thu.
“Chừng 10 năm về trước, tới Trung thu, ai cũng đến nhà tôi mua 1-2 cái; hoặc đặt số lượng lớn, đặt hình dáng cụ thể: Ngôi sao, búp măng non, tên lửa, cá chép... Khó cỡ nào, tôi cũng làm được, nhưng giá phải nhỉnh hơn loại thông thường và phải đặt trước. Lúc đó, mấy đứa con tôi sống chung nhà, mỗi đứa phụ một tay. Khó nhất là công đoạn dán giấy, phải thật thẳng, thật bóng. Rất ít người làm thành công. Các con giờ có gia đình riêng, đào tạo “thợ” không có, vì vậy tất cả lồng đèn đều do tôi phụ trách dán giấy, đâu thể làm số lượng lớn, nhanh chóng như yêu cầu. Khách đặt, tôi phải từ chối bớt, uổng hết sức. Khách đặt được rồi, nhưng tôi làm bao nhiêu giao bấy nhiêu, họ vẫn thông cảm” – ông Thành chia sẻ.
Nhưng, ông lại huy động được con cháu trong nhà, hàng xóm cùng tham gia phụ việc lặt vặt, như “bắt chỉ” cho lồng đèn. “Chỉ” là sợi giấy trắng tô điểm cho lồng đèn bớt đơn điệu, được cắt bằng tay, từng sợi một, rồi dán vào các cạnh ngôi sao.
Chiếc lồng đèn ông sao truyền thống hoàn thiện, chỉ có giá vài chục ngàn đồng. Ngoài hình dáng cơ bản quen thuộc, chiếc đèn được ông Thành điểm xuyết một chút hiện đại, bằng các góc nổi kỳ công.
Chiếc đèn hình cá, với những hoa văn rời, dán lên thân đèn. Miếng dán chưa hẳn khéo tay, nhưng trông vui mắt. Trẻ nhỏ chỉ cần vui mắt là thỏa lòng rồi!
Hồi xưa, lồng đèn giấy bắt cặp với đèn cầy nhỏ xíu, kết với nhau bằng lò xo mỏng manh. Ra gió, đi mạnh chân một chút là đèn rách, lửa tắt. Theo dòng phát triển, lồng đèn giấy vẫn giữ mẫu mã như xưa, nhưng đi kèm với đèn pin.
Ánh đèn nhỏ bằng đầu ngón tay út, quện với màu xanh xanh đỏ đỏ của giấy bóng, cũng lung linh, bắt mắt trong đêm. Dĩ nhiên, chúng không biết phát ra tiếng nhạc nheo nhéo, không bung sáng mạnh mẽ như đèn lồng điện tử. Nhưng, quý ở chỗ, chúng lưu giữ ký ức của người từng trẻ như chúng tôi, ông Thành, anh Hưng, anh Hận; và đang truyền ký ức cho người đang trẻ, như đám cháu ông Thành, như đám trẻ hiện tại háo hức chờ Trung thu…
KHÁNH ĐĂNG