Giữ nét đẹp văn hóa của các 'luật tục' trong cộng đồng tại Hà Nội

12/01/2024 - 08:14

Hương ước, quy ước được xem như là các quy tắc xử sự, mang đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi thôn làng, tổ dân phố, giúp quản lý tốt cộng đồng đó và được coi là “luật tục”.

Phát huy vai trò hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư tại Hà Nội không chỉ nâng cao vai trò của “luật tục” mà còn giữ gìn nét văn hóa đẹp của các cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố. 

Trích hương ước của xã Đông Kết, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ảnh tư liệu: Dự án số hóa kho tàng thư tịch cổ văn hiến Hán Nôm

Lành mạnh đời sống văn hóa cộng đồng

Tính đến nay, toàn thành phố Hà Nội có 4.726 trong tổng số 5.404 thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước, trong đó có 1.232 hương ước, quy ước đã được sửa đổi, bổ sung. Hương ước, quy ước được xây dựng nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp, duy trì nếp sống văn minh, trật tự của thôn làng, tổ dân phố, khu dân cư, góp phần duy trì trật tự trong cộng đồng ở địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, dưới góc độ văn hóa, hương ước, quy ước góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, thôn, làng và cao hơn nữa là truyền thống dân tộc, bảo vệ thuần phong mỹ tục, tinh thần tương trợ, thương thân, tương ái.

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn làng, tổ dân phố trong thời gian qua đã tác động tốt đến công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp ở cơ sở. Thông qua đó, hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương, bài trừ hủ tục lạc hậu, phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Xã Ngọc Mỹ là một xã thuần nông của huyện Quốc Oai, về đích nông thôn mới nâng cao năm 2023 và phấn đấu thành xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. 100% đường làng trong xã khang trang, sạch sẽ; nhiều con đường chạy quanh thôn có những bức tường bích họa. Các thôn đều có nhà văn hóa, khu thể thao thu hút đông đảo người đến tham gia. Có được kết quả đó do việc cập nhật, bổ sung các nội dung về xây dựng nông thôn mới vào quy ước của thôn. Cũng nhờ có quy ước mà phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có nhiều chuyển biến, các hủ tục được đẩy lùi. Cả xã có 26% gia đình thực hiện hỏa táng thay cho địa táng khi người thân mất, sử dụng vòng hoa và lễ hoa quả luân phiên khi thăm viếng. Việc tổ chức ăn uống rườm rà trong đám tang đã chấm dứt hoàn toàn...

Còn tại huyện Đông Anh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, chính sự mềm mỏng, hợp tình hợp lý dựa trên nguyên tắc tình làng nghĩa xóm và sợi dây gắn kết cộng đồng mà hương ước làng xã đã ngày càng phát huy được hiệu quả trong việc xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở. Người dân nghiêm chỉnh chấp hành bởi hương ước chính là bản cam kết “mềm” do cộng đồng dân cư đề ra, được lấy ý kiến rộng rãi của mọi người và đồng thuận thực hiện.

Điển hình như triển khai việc tang văn minh của huyện Đông Anh hiện nay có 4 nội dung: Xóa bỏ hủ tục; tổ chức tang ngắn gọn, đơn giản; không ăn uống tràn lan, linh đình; thực hiện hỏa táng. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật rất khó can thiệp để người dân lựa chọn hỏa táng bởi việc tang thường liên quan đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống. Thế nhưng khi nội dung về việc tang văn minh được đưa vào trong hương ước, quy ước thì người dân lại nghiêm túc thực hiện.

Lệ làng song hành cùng phép nước

Trước đây, người ta thường nói “phép vua thua lệ làng” nhưng ngày nay với việc đưa hương ước, quy ước vào đời sống, thì lệ làng đã được đồng hành cùng phép nước. Bởi thực tế, hương ước, quy ước tồn tại song song nhưng không đối lập với pháp luật của Quốc gia. Quá trình xây dựng hương ước, quy ước được cộng đồng dân cư đóng góp ý kiến, với sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, vừa đảm bảo công bằng, dân chủ, vừa thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Điều quan trọng, những nội dung trong hương ước, quy ước không vượt quá khuôn khổ của pháp luật. Có như vậy, lệ làng mới có thể hỗ trợ được phép nước phát huy được vai trò tự quản của cộng đồng dân cư.

Ở quận Bắc Từ Liêm, các phường và các tổ dân phố đã tổ chức biên soạn, xây dựng quy ước với những nội dung tập trung vào những vấn đề giúp người dân tham gia quản lý xã hội, tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, xây dựng gia đình văn hóa, đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện các quy định về đẩy mạnh nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội. Quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trong đó thể hiện rõ vai trò của cơ quan văn hóa, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc các cấp. Chính vì vậy, quy ước đã góp phần quan trọng trong việc duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, phát hiện kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, giáo dục mọi người trong cộng đồng có ý thức tôn trọng nhau, bảo vệ tài sản chung.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thất Phạm Quang Thái, trong quá trình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước sẽ ghi nhận các phong tục, tập quán tiến bộ để bổ sung vào hương ước, quy ước; vận động loại bỏ, không áp dụng các nội dung trái pháp luật, trái phong tục tập quán tốt đẹp và không đảm bảo bình đẳng giới, phân biệt đối xử với phụ nữ trong các bản hương ước, quy ước. Trình tự xây dựng hương ước, quy ước được thực hiện nghiêm túc. Các thôn, tổ dân phố thành lập Ban soạn thảo quy ước, có sự tham gia của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng dân phố, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, một số người có uy tín, kinh nghiệm sống, có trình độ văn hóa và hiểu biết về pháp luật, phong tục tập quán địa phương. Sau khi xây dựng, lấy ý kiến đóng góp, hương ước, quy ước được gửi đến UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã để xem xét, trình UNBD huyện công nhận. Đến nay, 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Thạch Thất đã có quy ước.

Như vậy, cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phát huy vai trò của hương ước, quy ước chính là phát huy những nét đẹp văn hóa nhằm xây dựng cộng đồng dân cư phát triển tốt đẹp hơn.

Theo TTXVN