Chhay dăm là điệu múa trống truyền thống của người Khmer, từ lâu trở thành “linh hồn” trong các lễ hội văn hóa, thường được biểu diễn tại các lễ hội Ok Om Bok, Sene Đôn ta, Chol Chnam Thmay, biểu diễn giao lưu trong các liên hoan văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là giao lưu trong các chương trình sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer… Múa trống Chhay dăm mang theo cả yếu tố tâm linh lẫn giá trị nghệ thuật, với điệu múa mạnh mẽ, dứt khoát, mô phỏng các động tác trong nghi lễ truyền thống của đồng bào Khmer.
Nghệ nhân ưu tú Danh Bê, ngụ xã Gò Quao, sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer. Từ ông nội đến cha của ông Danh Bê đều sử dụng thành thạo các nhạc cụ và trình diễn điêu luyện các điệu múa, bài hát Khmer và biểu diễn trống Chhay dăm. Theo ông Danh Bê, múa Chhay dăm không chỉ cần sức khỏe mà còn phải có sự dẻo dai, nhanh nhạy. Vũ công phải biết làm chủ tiết tấu, thể hiện các điệu múa bằng thân thể để tiếng trống hòa cùng nhịp điệu.
Chhay dăm của đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ có sắc thái khác biệt so với trống Chhay dăm ở Tây Ninh. Ở đây, nhịp điệu thường đều, ít đảo phách, âm sắc nhẹ nhàng, trong khi các động tác tay, chân, ánh nhìn và thần thái biểu cảm, uyển chuyển. Trang phục của các đội múa cũng rực rỡ sắc màu, mang đậm chất lễ hội, tạo nên bức tranh nghệ thuật sống động giữa đời thường.

Đội trống Chhay dăm của nghệ nhân ưu tú Danh Bê (xã Gò Quao) biểu diễn đón tiếp người dân đến chùa Tà Mum vào dịp Tết Cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2025
Hơn 10 năm gắn bó với trống Chhay dăm, ký ức về buổi đầu làm quen với nghệ thuật múa trống truyền thống còn in đậm trong lòng anh Danh Nhựt Anh, ngụ xã Gò Quao. Khi còn nhỏ, anh được cha dẫn đến nhà nghệ nhân ưu tú Danh Bê để học múa trống Chhay dăm. Những ngày đầu tập luyện đầy gian nan, đôi tay nhỏ bé của anh sưng tấy, rướm máu khi anh vừa phải đánh trống đúng nhịp, vừa di chuyển theo các thế múa phức tạp, nhưng chính sự tận tâm, truyền lửa của ông Danh Bê giúp anh thêm kiên trì.
“Tôi hạnh phúc vì mỗi lần chúng tôi biểu diễn múa trống Chhay dăm bà con đến xem đông. Tôi và anh em trong đội biểu diễn nhịp nhàng, ăn ý từng động tác. Tiếng trống vang lên không chỉ là âm thanh, mà còn là cảm xúc được truyền đến người xem” - anh Danh Nhựt Anh nói.
Ngày nay, giữa dòng chảy mạnh mẽ của đô thị hóa và các phương tiện giải trí hiện đại, nghệ thuật truyền thống như Chhay dăm có thời gian dài đối mặt với nguy cơ mai một. Lực lượng nghệ nhân ngày càng già, thế hệ trẻ chủ yếu mưu sinh ở xa và đi học. Một số nơi, múa Chhay dăm chỉ còn là ký ức trong các dịp lễ lớn. Trước tình hình đó, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Dân tộc và Tôn giáo phối hợp chính quyền địa phương mở lớp học truyền dạy múa trống Chhay dăm được tổ chức thường xuyên tại các chùa Khmer, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tham gia.
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Danh Phúc cho biết, nhiều đội văn nghệ quần chúng được thành lập, là nơi để nghệ nhân và người học có cơ hội giao lưu, biểu diễn và duy trì đam mê với múa trống Chhay dăm.
“Hàng năm, các hội thi, biểu diễn nghệ thuật dân gian trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh tại Gò Quao là dịp để nghệ thuật múa trống Chhay dăm tỏa sáng, tiếp cận công chúng rộng rãi hơn. Nhờ nỗ lực không ngừng, tiếng trống Chhay dăm tiếp tục vang lên, trầm hùng mà mãnh liệt, hòa cùng nhịp sống hiện đại. Đây không chỉ là việc bảo tồn điệu múa, mà còn là giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền lại cho thế hệ sau niềm tự hào về cội nguồn dân tộc”- ông Danh Phúc nói.
DANH THÀNH