UBND huyện Phú Tân biểu dương những tấm gương người hoàn lương chí thú làm ăn
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Tân có tổng số 251 người đã chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có 74 đối tượng ở địa phương (chiếm tỷ lệ 29,48%). Một trong những trở ngại là người chấp hành xong án phạt tù trở về sống trong gia đình khó khăn về kinh tế, bản thân không nghề nghiệp, không việc làm, không vốn sản xuất, trình độ thấp và mặc cảm. Họ chủ yếu lao động thủ công và né tránh chính quyền địa phương. Công an huyện đã thường xuyên phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng UBND các xã, thị trấn nghiên cứu và học hỏi những mô hình, cách làm để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Năm 2019, các ngành chức năng đã thẩm định, xem xét duyệt hồ sơ cho các trường hợp hoàn lương vay vốn trên 100 triệu đồng, giới thiệu việc làm cho 20 trường hợp. Qua công tác giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ tận tình, đã xuất hiện nhiều gương hoàn lương tiêu biểu ở các địa phương. Điển hình như anh Lê Huy Cường (xã Hòa Lạc) được xét vay 30 triệu đồng để có sinh kế làm ăn. Anh Cường dùng số vốn được vay để đầu tư dụng cụ, mở sân bóng đá mi-ni phục vụ cho thanh, thiếu niên đến tập luyện thể thao hàng ngày. Nhờ chăm chỉ, vượt khó, anh Cường từ không việc làm nay đã có thu nhập 6 triệu đồng/tháng, cuộc sống ổn định. Từ ngày khấm khá, anh còn tham gia đóng góp các nguồn quỹ xã hội - từ thiện tại địa phương, tích cực giúp đỡ bà con lối xóm những lúc khó khăn. Còn anh Võ Văn Đấm (xã Phú Thạnh) được vay vốn 30 triệu đồng lập cơ sở cưa cây, hàng ngày anh rất chăm chỉ làm việc, luôn được địa phương đánh giá cao về bản tính chí thú làm ăn, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật. Nhờ vận động, tư vấn của cán bộ chức năng, gia đình đã tạo điều kiện cho anh Nguyễn Văn Ngoan (xã Phú Hưng) sinh sống ổn định bằng nghề bán cốm. Tương tự, anh Phan Văn Mức (thị trấn Chợ Vàm) nay đã yên ổn với cuộc sống bằng nghề mua, bán kem...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Trương Thanh Nhàn, đa số người chấp hành xong án phạt tù đều được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tạo điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống mới. Năm 2019, công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người hoàn lương có một số kết quả nổi bật. Trước hết, chính quyền, đoàn thể đã kịp thời tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên, an ủi, giúp đỡ người hoàn lương, tạo điều kiện cho họ an tâm lao động, sản xuất, tìm kiếm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa và giảm tái phạm tội. Chính sách tái hòa nhập cộng đồng được tuyên truyền rộng rãi, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc giúp đỡ người hoàn lương tránh đi những mặc cảm, kỳ thị về quá khứ lầm lỗi, có niềm tin và động lực quyết tâm làm lại cuộc đời. Bên cạnh đó, nhiều mô hình quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng phát huy hiệu quả như: mô hình “Câu lạc bộ cuộc sống mới”, “Tổ cảm hóa giáo dục, đối tượng”… đã góp phần tạo ra nhiều tấm gương sáng chí thú làm ăn và đóng góp nhiều việc tích cực cho địa phương. Nhiều người hoàn lương được tạo điều kiện tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự, đội dân phòng, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo số liệu khảo sát, trong tổng số 251 người chấp hành xong án phạt tù, có 177 người không có việc làm ổn định, tự ý bỏ địa phương đi địa bàn khác. Không ít gia đình chưa quan tâm đúng mức đối với người thân của mình; có người sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về chưa thấy rõ được trách nhiệm, quyền lợi bản thân nên không chí thú lao động làm ăn, mà tiếp tục giao du với thành phần xấu, thích ăn chơi, hưởng thụ nhưng lại lười biếng nên dễ dẫn đến tái phạm tội và vi phạm pháp luật trong thời gian rất ngắn.
Một trong những phương hướng được huyện tập trung trong thời gian tới nhằm giúp đỡ người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng là lồng ghép các chương trình, dự án đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn, giảm nghèo cho họ để cuộc sống ổn định, tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
MỸ HẠNH