Góc nhỏ tâm tình nơi trường học

02/03/2022 - 05:16

 - Tính đến năm học này, Phòng Tư vấn học đường của Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (xã Tân An, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) đã duy trì tròn 10 năm. Không gian nhỏ thuộc khu hiệu bộ là nơi được rất nhiều học sinh tìm đến để được thầy cô giúp đỡ những khó khăn về mặt tâm lý.

Góc tâm tình tại Phòng Tư vấn học đường của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Quang Diêu

Ban Tư vấn học đường hiện nay có 15 thành viên, bao gồm các giáo viên, phụ huynh và học sinh tham gia. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quang Diêu Nguyễn Thị Ánh Hồng (cố vấn Ban Tư vấn học đường) cho biết, thành viên được chọn tham gia nhiệm vụ này dựa trên các tiêu chí là người có tâm huyết, uy tín, yêu thương chăm lo cho học sinh và có khả năng nắm bắt tâm lý học sinh. Đây không chỉ là nhiệm vụ, giáo viên còn phải xác định sự quan tâm từ trái tim đối với học sinh, tôn trọng các em, tin tưởng và giúp các em có niềm tin nơi mình.

Phòng Tư vấn học đường ra đời vào năm học 2012-2013. Thời điểm đó, tình hình học sinh có hành vi vi phạm đạo đức phổ biến: Nói tục, chửi thề, vi phạm an toàn giao thông, trốn học, tụ tập hàng quán, đánh nhau, trộm cắp trang thiết bị của trường, điện thoại của giáo viên, nghiện game... Nhiều thực trạng tồn tại dẫn đến một số em có tâm lý chán học, học yếu và bỏ học giữa chừng.

Trong khi đó, đa số giáo viên của trường tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và công tác quản lý, giáo dục học sinh. Sau bao trăn trở, những người thầy tâm huyết nghĩ đến giải pháp giáo dục tích cực, đặc biệt chú trọng công tác tư vấn học đường. Bằng tình yêu thương, các thầy cô nỗ lực tiếp cận, giúp đỡ cho học trò, nhất là thầy Nguyễn Hòa Bình và thầy Hồ Văn Suông là những người truyền đạt ý tưởng, kinh nghiệm, đạt hiệu quả duy trì đến nay.

Theo cô Cao Thanh Tuyền (Trưởng ban Tư vấn học đường), phần lớn nội dung học sinh tìm đến giáo viên nhờ hỗ trợ về vấn đề tâm lý, khi không tìm được người tin tưởng hoặc không có ai chia sẻ. Các em bày tỏ băn khoăn trong học tập, lựa chọn nghề, ba mẹ bất hòa, trở ngại trong giao tiếp bạn bè, vấn đề giới tính, nảy sinh tình cảm tuổi học trò…

Hiện nay, trường chú trọng thêm tư vấn tâm lý của học sinh trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó, còn trang bị kỹ năng sống, giao tiếp xã hội, văn - thể - mỹ, kỹ năng ứng phó, tự cân bằng bản thân cho các em.

Thực hiện theo nguyên tắc “Lắng nghe bằng trái tim” và “Cảm hóa từ trái tim”, giáo viên có định hướng kịp thời, cần thiết sẽ liên hệ với gia đình để cùng hỗ trợ các em. Mong muốn kết quả sau cùng là giúp học sinh nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ, tránh chủ quan, tiêu cực, phiến diện để ham học trở lại. Phòng Tư vấn học đường còn được đầu tư tủ sách tâm lý, kỹ năng để học sinh có thể đọc khi chưa sẵn sàng thổ lộ hoặc “nạp” những suy nghĩ tích cực sau khi đã được tư vấn.

Tủ sách trang bị kỹ năng và định hướng tâm lý

“Tùy trường hợp và đối tượng học sinh, có lúc phải nói chuyện ở Phòng Tư vấn học đường, có lúc phải gián tiếp trên lớp học, sân trường, hoặc ngồi uống cà phê riêng với các em như những người bạn... Đây là cách tôi được những người thầy trước truyền dạy và vẫn nhắc nhở các giáo viên lưu tâm để khéo léo trong cách giúp đỡ học trò” - cô Nguyễn Thị Ánh Hồng chia sẻ.

Đối với những học sinh được lựa chọn vào Ban Tư vấn học đường, có vai trò là “cặp mắt từ xa”, nắm bắt vấn đề phát sinh từ bạn học. Những em này không trực tiếp tham gia tháo gỡ khó khăn mà thông tin cho giáo viên biết hoặc gợi ý cho bạn học tìm đến góc tư vấn.

Em Nguyễn Ngọc Yến (học sinh lớp 11A4) bày tỏ: “Điều em tâm đắc nhất là thầy cô đã giúp em giải tỏa những tâm sự rất khó nói về gia đình, bạn bè, những vấn đề cá nhân… Có những khi em học tập chưa tốt, gặp nhiều áp lực, ba mẹ lại đặt kỳ vọng và yêu cầu quá cao, em tìm thầy cô để được chia sẻ, động viên. Kể cả chuyện khó nói nhất là vấn đề tình cảm, chúng em cũng bớt ngại ngùng khi được giãi bày với thầy cô”.

“Nhờ sự kiên trì, dốc lòng trong nhiệm vụ ý nghĩa này, học sinh đã có những chuyển biến rất tích cực. Từ những em thụ động, rụt rè, tự ti, không biết bày tỏ quan điểm của mình, nay đã tự tin hơn, tích cực hơn. Khi có được người thấu hiểu, các em trút bỏ những rào cản tâm lý, như trở thành một người mới, từ đó góp phần nâng cao chất lượng học tập. Hay một số em chưa ngoan, dần dần đã đi vào nền nếp, không tham gia tệ nạn xã hội bên ngoài, tự tạo được uy tín của bản thân đối với bạn bè, phụ huynh. Đó là điều chúng tôi mong mỏi khi dồn tâm huyết vào góc nhỏ tư vấn của trường, tạo không gian thân thiện, đáng tin cậy cho học sinh” - cô Cao Thanh Tuyền nhận xét.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích