Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

14/03/2023 - 06:49

 - Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực quan trọng của đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những hạn chế. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân để góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và sự đồng thuận trong nhân dân đối với đạo luật quan trọng này.

Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến nhiều chủ thể, đối tượng, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp xu thế phát triển. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và đã được Chính phủ hoàn thiện, gồm 16 chương và 236 điều, với nhiều nội dung mới, nhằm thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng (khóa XIII), các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp xu thế phát triển… 

Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới: Nâng chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định mức thuế cao hơn đối với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang; hoàn thiện các quy định liên quan thị trường bất động sản; mở rộng đối tượng sử dụng đất nông nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý và sử dụng đất…

Người dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)  

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội nghị tập trung vào các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất…

Tại hội nghị, nhân dân có ý kiến một số vấn đề, như: Đề nghị bỏ quy định về việc hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi chuyển nhượng, cho, tặng quyền sử dụng đất nông nghiệp; cần lấy ý kiến người dân ở các khu, cụm tuyến dân cư đối với việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu; thay đổi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ hộ gia đình thành các cá nhân là thành viên trong gia đình để thuận tiện trong việc thực hiện các giao dịch quyền sử dụng đất; đề nghị không giới hạn việc các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được chuyển nhượng quyền sử dụng trồng đất lúa… Về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; việc thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất.

Nhân dân còn góp ý về quyền và trách nhiệm của nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai, quản lý nhà nước về đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, trưng dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Đối với nội dung đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, người dân kiến nghị bổ sung điều kiện “tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án”. Khi quy hoạch đất đai, phải ghi rõ thời gian, thời hạn cụ thể. Đồng thời, đề nghị rà soát lại dự thảo luật, chỉnh sửa lại bố cục các điều, khoản, điểm cho phù hợp theo quy định pháp luật…

Theo dõi tại các hội nghị lấy ý kiến nhân dân cho thấy, các ý kiến của người dân được các ngành chuyên môn ghi nhận, giải trình và tổng hợp báo cáo về trên. Đây là hoạt động góp phần huy động trí tuệ, tâm huyết, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhằm hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

BOX: Theo tiến độ, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kết thúc vào ngày 15/3/2023. Ngày 25/3, các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích