Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "Triệu Hồng Hồ Em” trên Google, mọi người sẽ nhận lại hàng trăm bài viết, video clip, hình ảnh liên quan, khắc họa một thanh niên khuyết tật nhưng đầy ý chí, tài năng ở vùng quê cù lao. Từ việc giết thời gian bằng cách nghịch tre, trúc, tạo hình thỏa thích theo ý mình, Hồ Em đã chuyên tâm khởi nghiệp và ổn định cuộc sống bằng sản phẩm “homemade” đậm dấu ấn cá nhân.
Nhưng, Hồ Em không muốn bị “đóng khung” bản thân bởi sự thương hại của mọi người, bởi khiếm khuyết cơ thể của mình. Anh làm việc với tâm thế thật sự thoải mái, không chịu áp lực về mặt thời gian. Tìm được ý nghĩa cuộc sống từ phật pháp, từ lao động, sáng tạo, anh cảm thấy mình quá đủ đầy, hơn bất kỳ ai.
Mỗi sản phẩm làm ra là mỗi đúc kết lâu dài anh có được. Trong đêm tối, trong tĩnh lặng, những ngón tay gầy guộc, mà khéo léo ấy chậm rãi làm nên bức tranh về cuộc sống muôn màu. Dường như, anh không phải làm món đồ ấy cho khách, mà làm cho chính mình!
Anh không tìm ai phụ giúp, không đầu tư máy móc sản xuất hàng loạt. Bao nhiêu vết xước ở tay, bao nhiêu mày mò, tâm huyết, chẳng qua trường lớp nào, cũng chẳng được ai cầm tay chỉ việc, vậy mà cả thế giới sống động đã hiện ra từ vật liệu vô tri, từ khối óc của chàng trai trẻ. Đó là những bông hoa mềm mại, viên sỏi óng ánh…
Là bầy ếch vui tươi…
Là bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc tí hon, chỉn chu và giống hệt nguyên mẫu ở từng chi tiết…
Anh làm sản phẩm này theo đặt hàng của khách, mất rất nhiều công sức. Bù lại, sản phẩm được mọi người yêu thích, tạo nên tiếng tăm cho anh.
Thế giới của anh có rất nhiều vật dụng xinh xắn như thế này, từ móc gắn chìa khóa, vòng tay, đến những chiếc kẹp tóc đơn giản mà thu hút… Ai đặt gì, anh làm nấy. Giá tiền mỗi thứ từ vài chục ngàn, đến vài triệu đồng, tùy mẫu.
“Lúc nằm một chỗ, phải nghỉ học từ lớp 6, tôi nghĩ, chắc đời mình bỏ phế rồi! Ai dè, trời cho cái nghề, tôi tự mưu sinh theo khả năng của mình. Vui nhất là tôi được nhiều bạn bè yêu quý, được kết nối rộng rãi trên mạng xã hội, được quen biết với thế giới rộng lớn bên ngoài. Ngược lại, bạn bè cho rằng tôi truyền cảm hứng cho họ, giúp họ sống tích cực hơn, siêng năng và sáng tạo hơn”.
Sản phẩm được anh đóng gói kỹ lưỡng trước khi gửi cho khách hàng. Mỗi món đồ được làm trong vài ngày, vài tuần, vài tháng, là kỷ niệm, là dấu tích của anh trong cuộc sống, được trao lại cho cộng đồng, chất chứa tâm tình an yên, hạnh phúc của chính anh…
GIA KHÁNH