Nhiều năm qua, cuộc sống của bà Trần Thị Dương hết sức khó khăn và cơ cực. Vì căn bệnh Glaucoma (cườm nước) khiến bà bị mù đôi mắt, phải sống trong cảnh tật nguyền. Ngoài ra, bà mắc bệnh tim, huyết áp, trào ngược dạ dày - thực quản và từng gãy xương đùi, để lại nhiều di chứng, khiến 2 chân teo tóp, bên thấp bên cao, thường xuyên tê nhức và co giật, không đi đứng được. Hiện, bà được em gái đưa về chăm lo và sống tạm trong mái chòi xập xệ phía sau nhà.
Bà Dương buồn bã tâm sự: “Đôi mắt bị mù và đôi chân bất động, khiến tôi không thể tự lo cho bản thân và lao động kiếm sống. Mất đi đôi mắt, xung quanh tôi chỉ toàn bóng tối, cuộc sống của tôi chỉ quanh quẩn trên chiếc giường bé nhỏ này. Bữa nào khỏe thì mừng, bữa nào mệt mỏi hay ăn uống không tiêu, chướng bụng, đầy hơi… tôi chỉ biết chịu đựng. Nay tôi đã lớn tuổi cũng không ăn uống được bao nhiêu, chỉ sợ đau bệnh không có tiền uống thuốc và không ai chăm sóc, mỗi bữa cơm chỉ cần tương, chao và rau luộc đã thấy ngon”.
Bà Trần Thị Dương
Bà Nguyễn Thị Chiến (67 tuổi, em bà Dương) chia sẻ: “Dù gia đình tôi nghèo, nhưng thấy hoàn cảnh của chị Dương quá đáng thương nên tôi đưa chị về nhà chăm lo. Hàng ngày, tôi vừa lo gia đình, vừa lo cho chị ăn uống, thuốc thang và sinh hoạt cá nhân của chị. Chị bị mù và 2 chân không đi lại được, rất khó khăn trong cuộc sống. Mỗi lần trở bệnh, vì đường đi không đẩy xe lăn được nên tôi phải bồng chị. Tôi chỉ biết chạnh lòng, mong sao những gì mình làm sẽ giúp chị an ủi phần nào”.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tấn Mỹ Nguyễn Thị Bích Thùy thông tin: “Hoàn cảnh của bà Dương rất đáng thương. Chồng bà mất sớm, không có con nuôi dưỡng, tật nguyền, cuộc sống chỉ nương nhờ vào em gái. Thấy được những khó khăn của bà và gia đình, địa phương rất quan tâm và tạo điều kiện để bà được hưởng trợ cấp theo quy định. Rất mong các nhà hảo tâm cảm thương, giúp đỡ cho bà có tiền trang trải cuộc sống”.
Còn hoàn cảnh của ông Nguyễn Văn Cứng mắc bệnh lao phổi, tiểu đường và nhiều bệnh khác, gia đình không có tiền để lo chạy chữa thuốc thang. Trước đây, ông Cứng làm bốc vác và bị tai nạn lao động nứt xương chậu, phải điều trị một thời gian. Sau đó, ông đi làm bảo vệ ở TP. Hồ Chí Minh, cho đến khi đổ bệnh thì trở về nhà.
Ông Nguyễn Văn Cứng
Trò chuyện với chúng tôi, bà Hường (vợ ông Cứng) bộc bạch: “Ban đầu, ông bị ho cứ nghĩ cảm cúm thông thường nên chỉ mua thuốc uống qua loa. Đến khi ho nhiều, thường xuyên ớn lạnh, mệt mỏi, đi khám mới biết ông mắc bệnh lao. Bác sĩ hướng dẫn ông phải uống thuốc theo phác đồ điều trị lao của Bộ Y tế, các bệnh còn lại phải uống thuốc theo toa do bác sĩ kê, vì thuốc điều trị lao không được tự ý uống chung các loại thuốc khác, rất nguy hiểm.
Thời gian đầu, ông bị tác dụng phụ của thuốc gây ho nhiều, đau tức ngực, ăn ngủ không được, cơ thể nóng, nôn ói… rất khó chịu. Nay ông đã lớn tuổi, sức khỏe ông suy giảm rất nhiều, đi đứng phải có người dìu đỡ. Để có tiền lo thuốc thang và chở ông đi khám bệnh, gia đình phải đi vay mượn khắp nơi. Thời gian qua, cuộc sống gia đình nhờ được địa phương quan tâm, thường tới lui cho gạo, quà và bà con chòm xóm giúp đỡ.
Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Trung Phú 1 Phan Văn Tặng chia sẻ: “Hoàn cảnh của vợ chồng ông Nguyễn Văn Cứng đều lớn tuổi, sức khỏe yếu hay đau ốm. Từ khi bệnh của ông trở nặng, một mình bà Hường phải lo toan cho gia đình, địa phương rất quan tâm, ngay khi có người hỗ trợ đều chuyển đến cho gia đình. Tôi mong những tấm lòng nhân ái gần xa cùng chung tay giúp đỡ, để gia đình có chi phí điều trị bệnh cho ông Cứng”.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang.
|
NGUYỄN XÊ