Hai lần xuất gia - Kỳ 2: Vô ngã và ra trận

18/08/2021 - 14:54

 - Bước vào cửa Phật, chú tiểu Thông ngày nào chưa biết “làm cách mạng” là gì. Lớn lên một chút, trở thành ni cô Diệu Thông, vẫn một lòng cầu lấy bình an cho nhân thế. Nhưng rồi, chẳng ai ngờ, ni cô trở thành nữ trinh sát Biệt động thành, cùng đồng đội mang đến nhiều nỗi khiếp sợ cho kẻ thù. Lần xuất gia đầu tiên kéo dài gần trọn cuộc đời bà, nhưng là lần xuất gia nhiều trăn trở nhất!

Lời dạy “vô ngã” của cha

Những năm chiến tranh loạn lạc, ni cô Diệu Thông thấy nhiều cảnh đầu rơi máu chảy, thấy đồng bào của mình bị giặc giày xéo, quê hương chìm ngập trong khổ đau. Người tu hành có thể nhắm mắt tụng kinh lễ Phật đằng sau cánh cửa chùa, nhưng đâu thể nhắm mắt làm ngơ trước nhân sinh đau khổ! Từ chú tiểu Thông đến khi trở thành ni cô Diệu Thông, tinh thần cách mạng thấm vào tâm khảm của bà, chầm chậm mà rõ nét trong từng suy nghĩ, hành động.

Một ngày nọ, ni cô Diệu Thông trở về thăm cha. Lúc đó ni cô trẻ tuổi đang phân vân chọn lựa con đường bước tiếp, rất cần lời khuyên từ đấng sinh thành. Hòa thượng Thích Giác Quang dặn dò cô con gái nhỏ: “Thuyết Phật dạy: Vô ngã. Là khi muốn cứu độ chúng sanh, trước hết hãy quên mình. Con hãy nhớ lấy mà vượt qua những cơn ba đào bể khổ. Giờ đây, một mình con lại trở lên Sài Gòn. Thôi thì chí tự lập của con đã quyết. Một lần nữa thầy khuyên: không chỉ trước ba đào mà trước cám dỗ, cái đáng sợ là “chấp ngã” đấy con ạ!”.

Năm 1959, ni cô Diệu Thông mang theo lời cha dạy đến Sài Gòn - mảnh đất xa lạ nhưng mở ra nhiều nhận thức, hành động mới cho bà. Ở Sài Gòn, bà biết nhiều kẻ khoác áo tu hành, nhưng uống rượu, ăn thịt, ngồi bàn bạc với Mỹ, Ngụy chuyện giết đồng bào ta. Nhiều nhà sư yêu nước lấy cái chết để bày tỏ thái độ với địch, với thời cuộc chiến tranh. Còn bà, bà phải làm gì? Chỉ có một cách: đi diệt trừ “quỷ ma”, trở thành chiến sĩ cách mạng, theo cách của riêng bà.

Qua những lần tham gia phong trào tranh đấu của sư sãi chống Diệm, ni cô quen biết chị Mười – Lê Thị Ngọc Anh (Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ thành).    “Chị Mười à, những người tu hành chân chính luôn luôn có một tâm niệm cầu mong cho con người ở trên đời này được sống hiền hòa. Nhưng chỉ ngồi cầu kinh niệm Phật không thôi thì làm sao có được cuộc sống hiền hòa với bọn quỷ được. Bác Hồ là người yêu dân, Người là vị Phật sống của dân Việt Nam ta. Người đã dạy những người làm cách mạng như chị, phải đấu tranh mới có cuộc sống hạnh phúc. Những người làm cách mạng đều là con cháu Bác Hồ. Tôi mong muốn được gần gũi các chị nhiều hơn” – ni cô Diệu Thông bày tỏ trong một buổi trò chuyện.

Chị Mười đặt nhẹ bàn tay lên vai ni cô: “Ni cô cứ yên tâm, sẽ có nhiều người của Bác Hồ đến với chị”. Rồi chị Mười đưa ni cô lên Củ Chi, gặp đại tá Nguyễn Đức Hùng (tự Tư Chu, Đội phó Đội Biệt động Sài Gòn, nguyên mẫu của nhân vật Tư Chung trong phim Biệt động Sài Gòn). Từ đó, họ kết nối với nhau, trở thành đồng chí, đồng đội sát cánh cùng nhau suốt thời gian dài.

Bên trong cửa chùa

Giữa trung tâm Sài Gòn, tại số 82/B đường Trần Quốc Toản – Chợ Lớn, quận 5 (giờ là đường 3/2, quận 11), có ngôi chùa nhỏ mang tên Bổn Nguyện. Chùa lợp lá, cất kiểu nhà sàn, bên trong có xưởng nhang “Mạng Đà trầm hương”, nước chấm hiệu “Bồ Đề”. Trụ trì chùa trước đó là hòa thượng Giác Quang, sau là đại đức Thích Viên Hảo, tức Phạm Hữu Trí, một người cùng chí hướng cách mạng. 

Sau cánh cổng chùa Bổn Nguyện là nơi dung thân cho những thanh niên trốn quân dịch, là nơi lui tới của nhiều “phật tử” như chị Mười. Ni cô Diệu Thông trở thành giao liên của cách mạng, hàng ngày mang thư mật trong người, “bỏ nhỏ” rủ phật tử xuống đường; đánh máy, in truyền đơn rải ngoài phố. 

“Khi thấy mình đã dấn sâu vào những việc làm trên, chùa Bổn Nguyện bị bọn công an mật vụ bắt đầu theo dõi, Diệu Thông mới sực giựt mình! Diệu Thông muốn bàn với Viên Hảo hạn chế bớt hoạt động. Chứ như thế này, chùa Bổn Nguyện gần như công khai là các trụ sở của cách mạng trong lòng địch! Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng Diệu Thông chỉ vấn đáp với riêng mình. Cha đã từng dặn đi dặn lại: thuyết của Phật là “vô ngã”. Bây giờ hòa thượng Giác Quang đã được Phật giáo thống nhất Long Xuyên bầu làm Chủ tịch Ủy ban Hiến chương Phật giáo. Cho nên, càng phải làm sao cho xứng đáng con của cha. Chớ có lý nào trước nguy hiểm mà mình “chấp ngã”! Còn làm cách mạng? Diệu Thông nghĩ nôm na: cách mạng tức là xa cái mạng của mình, thì cũng như “vô ngã”. Như các chị, các chị có sợ cho bản thân mình đâu!” (Trích tác phẩm “Tiếng chuông chùa ngân nga” của Thanh Giang).

“Vô ngã”  không có nghĩa là lặng thinh trước cái xấu, cái ác! Khi ni cô Diệu Thông vừa tìm thấy được chút ánh sáng trong giằng xé tư tưởng, bỗng dưng chùa Bổn Nguyện chìm trong biển lửa. Địch đốt cháy vì biết chùa có liên quan, bao che cho các tổ chức cách mạng, đấu tranh chính trị. “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, gần như bế tắc. Nhưng không ai muốn bỏ cuộc, động viên nhau ráng làm nước tương, se nhang, làm xà bông đi bán khắp nơi để che giấu việc chuyển tài liệu. Được bao nhiêu tiền, mọi người gom góp lại, phục vụ cho hoạt động cách mạng” – ni cô Diệu Thông nhớ lại.

Giữa tro tàn, mấy năm sau, chùa Bổn Nguyện được tạo dựng lại kiên cố hơn, nhiều gian, nhiều liêu phòng, với một cái tên mới: Tam Bảo. Ở các gian phòng, vẫn là chí sĩ cách mạng, là cán bộ đoàn thể nằm vùng, là người trốn quân dịch. Để có thể nuôi được các “bổn đạo”, ngày ngày ni cô cùng nhiều người tất bật làm nhang, làm tương. Giữa những nia đậu tương ấy, là máy ngắm của súng cối, kíp nổ. Ở dưới nền đất, là lu kiệu chứa súng đạn, thuốc nổ. Ngoài cánh cổng chùa, vẫn là trang nghiêm, như có như không đứng cạnh hồng trần…

Ngày ngày, lúc rảnh rỗi, chị em lại thay phiên nhau đi trinh sát mục tiêu, tải vũ khí về chùa. Phương tiện vận chuyển là xe Honda, với chiếc yên được rút hết nệm, thay bằng thuốc nổ dẻo C4. Khi làm tương, giữa các nia phơi xếp chồng lên nhau, họ giấu những khẩu súng nhỏ, dụng cụ đo tọa độ của súng cối.

Tất bật cả ngày, thậm chí tụng kinh niệm phật cũng đôi lúc chểnh mảng, đến tận đêm khuya, ni cô Diệu Thông trở mình, bứt rứt. Đôi tay người tu hành đã chạm đến cái sắc lạnh của vũ khí, thậm chí giấu khối thuốc nổ và kíp trong bụng tượng Phật Bà Quan Âm bằng đồng. Ni cô lúng túng đối diện trước thực tại: mình làm đúng, hay sai? Có phải đây là con đường chơn tu mà mẹ cha mong muốn?

Ngày phá giới đầu tiên

Năm 1969, kẻ thù huênh hoang rằng, Sài Gòn không còn dấu vết của Việt Cộng. Vì vậy, lực lượng biệt động nhận lệnh “Phải gây tiếng nổ thường xuyên trong địa bàn hoạt động của tổ”. Thầy Viên Hảo mời ni cô Diệu Thông đến, mở lời: “Có một nhiệm vụ đặc biệt trên vừa giao cho chúng ta. Sư cô có dám làm không?”.

Thật ra, thầy Viên Hảo là cháu của ni cô Diệu Thông. Nhưng họ gọi nhau theo lễ nghĩa của người tu, chứ không phải của người đời. Ni cô ngập ngừng: “Lâu nay cũng qua thầy làm cầu nối, mà tôi đã làm những việc nếu đa số phật tử biết được, ắt cũng cho là tôi làm trái đạo. Tôi đã đi hơi xa vào giới cấm. Như vậy có phải là đã dám liều rồi đó không?”. Thầy Viên Hảo khẳng định: “Làm theo nguyện vọng của chúng sinh, xét mặt nào cũng là trùng với lòng bác ái từ bi của Phật. Vậy sao gọi là liều được”.

Không cần suy nghĩ thêm, ni sư Diệu Thông xin đi theo chị Tám A (Nguyễn Thị Rí, một chiến sĩ Biệt động thành), tham dự trận đánh vào hội trường Thượng viện Sài Gòn, vào đúng thời điểm diễn ra một hội nghị chính trị quan trọng của địch. Ni sư cất công đi mua 3 chiếc áo đủ màu, mang phong cách của gái làng chơi. Mấy cô gái trẻ xuất phát, người thì trò chuyện phân tán chú ý của địch, người thì lẳng lặng “hành sự”.

Một tiếng nổ lớn vang lên, như cái tát vang dội vào mặt kẻ thù. Chúng phải cấm đường gần 2 ngày để thu dọn thi thể và đống đổ nát. Hôm ấy đã trở thành ngày rất đặc biệt với ni cô Diệu Thông, khi bà lần đầu tiên bước qua ràng buộc của đạo, phá giới tu hành – sát sanh. Nhưng chưa bao giờ bà ân hận vì điều đó. Bà nghĩ, thời cuộc cần những người sẵn sàng “ra trận” như bà!

Kể từ đó, nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của Biệt động Sài Gòn – luôn có bóng dáng lam y của ni cô Diệu Thông – liên tục làm cho địch hoang mang, cảnh giác. Đó là trận đánh Trạm biến điện cao thế góc trường đua Phú Thọ tháng 5-1969, trận đánh cư xá hạ sĩ quan độc thân (thành Poloma) tháng 7-1969… Bị địch phát hiện, chùa Tam Bảo bị san bằng, đồng đội của ni cô Diệu Thông người bị bắt tù đày (trong đó có cả thầy Viên Hảo), người chạy thoát kịp thời…

“Tôi đến với cách mạng từ con đường đạo hạnh, giác ngộ ra chân lý chính nghĩa của cách mạng và đã bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với bao hiểm nguy, thử thách đầy cam go. Toàn bộ tài sản là ngôi chùa Bổn Nguyện và Tam Bảo, tôi đóng góp vào cuộc cách mạng giải phóng đất nước. Trong chiếc áo nhà tu, chúng tôi là những chiến sĩ cách mạng” – ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông tự hào, gương mặt ngời lên niềm hạnh phúc.

(còn tiếp)

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

Thiết kế hình ảnh: TRUNG HIẾU

 

 

Liên kết hữu ích