Một buổi sáng cuối tháng 5-2021, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông (thế danh Phạm Thị Bạch Liên, sinh năm 1931, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đưa mắt nhìn lên trần nhà, nghe cơn mệt mỏi thấm dần vào từng tế bào cơ thể. Những đợt nằm viện ngày càng nhặt, thời gian mỗi đợt ngày càng dài, có khi cả tháng trời, để bà cảm nhận rõ nét tuổi già, lực kiệt.
Người chiến sĩ biệt động đầy sức sống năm xưa, giờ chỉ còn là quá khứ. Bao nắng mưa sương gió, khói lửa chiến tranh đã dừng lại đâu đó trong ký ức. Muốn quên, quên không đặng. Muốn nhớ, lại chẳng nhớ được nhiều!
Bà được xem là một nhân vật truyền kỳ, với nhiều thành tích lẫy lừng trong chiến tranh chống Mỹ. Hòa bình, sau khi hoàn tất mọi thủ tục, hồ sơ có liên quan, bà trở về với chuông mõ, công phu. Bà vẫn thiết tha với đời, nhưng bằng cách của riêng mình, lánh xa mọi hào nhoáng. Chính vì thế, nhiều năm trở lại đây, bà rất ít tiếp xúc với người lạ, đặc biệt là báo chí.
Có lần, một phóng viên của tờ báo trung ương đến gợi chuyện: “Sư bà kể chuyện cho con nghe, con viết bài báo cho sư bà nổi tiếng luôn!”. Bà “mời” phóng viên ấy về, từ chối trả lời phỏng vấn. Bà chưa đủ nổi tiếng sao? Vả lại, nếu muốn sống trong hào quang của quá khứ, bà đã tiếp tục ở lại TP. Hồ Chí Minh, đâu cần về tư thất nhỏ ở vùng ngoại ô An Giang này!
Nhưng quá khứ là một giấc mơ dài, bám lấy bà ngay cả khi thức dậy. Dưới sự giúp đỡ của bà Lê Thị Bé Ba (sinh năm 1953, một phật tử đang ngày đêm chăm sóc bà), bà bước ra sân, nhìn ngôi chùa nhỏ phía trước, lòng đau đáu nhớ về cha mẹ đã khuất. Ngôi chùa ấy như còn vương vấn bóng dáng người cha thân yêu của bà – hòa thượng Thích Giác Quang.
Bà như nhìn thấy chính mình lúc còn bé, là cô con gái thứ 9 trong nhà, lần lượt chứng kiến cha và mẹ phát tâm tu hành. Bà nhớ thời điểm cùng mẹ lên núi thăm cha: “Bảy tuổi tìm cha chốn núi non/ Trải lòng thương nhớ tóc răng mòn/ Sân tiên đảnh thượng cha hành đạo/ Thất bửu giá quang rõ nét son/ Mẹ bảo kính vấn an thân phụ/ Cha khẽ nhủ đời chẳng thường còn/ Lòng cảm nhận xin cắt tóc xanh/ Bạch Liên theo cha trọn đạo con” (thơ của Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông).
… Bảy tuổi, lắc lư chỏm vá trên đầu, bà có tên gọi mới là “chú tiểu Thông”, nào biết việc tu tập là gì, chỉ sớm tối tụng kinh, niệm Phật, ăn chay giống cha mẹ. Chú tiểu Thông biết cha lén đem lư đồng, chuông đồng trong chùa hiến cho cách mạng để đúc súng tự tạo, đúc đạn. Mẹ nấu cơm chảo lá sen, gói bánh tét ủng hộ bộ đội, du kích xã nhà. Chú tiểu Thông hiếu động, nhanh nhẹn, hàng ngày vai mang thùng bánh kẹp đi bán khắp thôn xã, đi vào đồn lính Pháp lân la vô tư. Nhờ nắm rõ mọi chi tiết về sinh hoạt, chiến đấu của lính đồn, chú “bỏ nhỏ” với bộ đội, góp phần đánh tan nát đồn lính. Nhưng chú chưa biết, đó là làm cách mạng, là yêu nước.
Dẫu vậy, những chi tiết ấy ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời bà. Năm lên 10, cha cho bà nhập học ni chúng chùa Phước Huệ (Sa Đéc, Đồng Tháp). Ở đây, bà được ni sư Diệu Hoa – một chiến sĩ cách mạng khoác áo cà sa – “nhờ” đem thuốc, thức ăn đi tiếp tế cho cán bộ. Bị lộ, cha gửi bà ra Huế, gặp hòa thượng Thích Trí Thủ (Viện trưởng Phật học đường) để tu học kinh luật. Năm ấy, miền Trung bị lũ lụt. Ni cô Diệu Thông theo đoàn xe của Ni viện Diệu Đức đi phát gạo, phát thuốc cho dân nghèo. Chiếc xe chạy thẳng vào... chiến khu, tiếp tế cho cách mạng.
Đường xa, lầy lội, lại thêm thấp thỏm đề phòng giặc phát hiện, chiếc xe bị lật cua. Mọi người bình an, trừ Ni cô Diệu Thông bị vỡ đầu, kẹt lại trong ca-bin. Tai nạn được giữ kín, nhưng vẫn bị lọt ra ngoài. Những người có liên quan (bao gồm Ni cô Diệu Thông) bị Ni viện “đuổi học”, giải vây khéo, xem như vụ việc đã được “xử lý” đến nơi đến chốn.
Giây phút rời khỏi Ni viện, nỗi buồn thấm ướt lòng ni cô. Hòa thượng Trí Thủ khuyên nhủ: “Thôi, con hãy về quê. Thưa với Hòa thượng Giác Quang rằng thầy thất hứa, không bảo bọc được con học đến thành công. Đừng trách thầy nghe con! Đó cũng là do từ lòng thành của Phật dạy phải độ chúng sinh, khi đất nước đang hồi tai ương, tang tóc. Sự việc này không giống, nhưng cũng như cha con hồi nào đã mang đại thần chung, Phật đồng lư hương chùa Kim Bửu đi hiến cho Bình công xưởng đúc đạn cứu nước, vậy thôi”.
Nghe lời hòa thượng Trí Thủ, ni cô buông bỏ tiếc nuối về con đường học vấn, quay lại miền Nam. Nhưng bà không về Đồng Tháp (quê cha đất tổ), cũng không về An Giang (nơi cha tu hành), mà chọn dừng chân tại Sài Gòn. Chính ni cô cũng không ngờ, 2 từ “Sài Gòn” sẽ gắn chặt với cuộc đời bà mãi về sau.
… Chúng tôi đến thăm, nên bà vội buông chuyện cũ, trở về với thực tại. Dịch bệnh kéo dài, cộng với bà vắng nhà để đi điều trị bệnh, nên sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi mới gặp được bà. Vẫn là thói quen của nữ trinh sát ngày xưa, nay lại thêm nỗi niềm “tuổi cao mau quên”, bà nhờ chúng tôi ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, ngày tháng gặp gỡ, để bà cất giữ, lưu niệm.
Trên vách tường, trên bàn là một số hình ảnh của bà ngày trước, những bức ảnh nhuốm màu thời gian. Có ảnh bà khoác áo cà sa, có ảnh bà oai hùng trong quân phục, huân- huy chương trĩu nặng trên ngực áo. Bà tự hào về cuộc đời mình: trong đội ngũ lính Bác Hồ, có một chiến sĩ đầu không có tóc, y phục màu lam, là chiến sĩ dũng cảm trong đội 5 Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Bá tánh gọi bà là nhân chứng sống, hay nữ tu sĩ – chiến sĩ Biệt động. Nhưng phổ biến nhất vẫn là tên “Ni cô Huyền Trang” – tên một nhân vật trong phim “Biệt động Sài Gòn” lấy bà làm nguyên mẫu.
Mấy chục năm làm cách mạng, đã từng nhiều lần vào sinh ra tử, cuộc đời bà gắn liền với các mốc thời gian, như: bà tham gia cách mạng từ năm 1947, vai trò giao liên. Giai đoạn 1960 – 1969, bà tham gia công tác trinh sát quân báo, Quân khu Sài Gòn – Gia Định. Từ 1969 đến 1974, bà tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định, thuộc đơn vị F100.
Tháng 4 - 1983, sư cô Diệu Thông nhận quyết định về hưu với cấp bậc thượng sĩ, kết thúc gần 22 năm công tác liên tục trong quân đội. Tuy cấp bậc không cao, nhưng những gì bà đã đóng góp cho đất nước, cho quê hương đủ để khiến mọi người nể phục, xem bà như một người hùng!
Chỉ cho chúng tôi xem bức hình mặc quân phục hiếm hoi, bà kể: “Nhân dịp họp mặt truyền thống 70 năm của ngành tình báo quốc phòng Việt Nam ở An Giang, tôi được lãnh đạo Tổng Cục II - Bộ Quốc phòng trao tặng “Kỷ niệm chương Tình báo quốc phòng Việt Nam”. Lúc ấy, tôi rất xúc động, rất phấn khởi khi là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và là người lính cụ Hồ. Bản thân tôi đã góp công sức nhỏ xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh, vinh hạnh được sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới, theo tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu”.
Màn đêm buông xuống, xung quanh tư thất của Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông càng yên tĩnh. Bà còn rất nhiều điều muốn kể cho chúng tôi nghe, câu chuyện này quyện vào câu chuyện khác, mà chuyện nào cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Tiếp nối mạch cảm xúc ấy, chúng tôi mời bà xem lại những cảnh trong phim “Biệt động Sài Gòn”. Dù rằng, bà đã xem rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng xúc động, bởi đó là bóng dáng cuộc đời thanh xuân của bà…
Bộ phim của đạo diễn Long Vân kể về lực lượng biệt động Sài Gòn phát hành năm 1986, lập nhiều kỷ lục về số lượng người xem, gây sốt dư luận và là bệ phóng của loạt diễn viên từ vai chính đến vai phụ. Chiến công của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn với những trận nổ súng, gài mìn, bắt cóc, trao đổi tù binh, những cuộc tấn công theo kiểu du kích chớp nhoáng khiến kẻ thù lên kế hoạch phản công mạnh mẽ. Nhân vật Tư Chung (Tư lệnh trưởng Biệt động Sài Gòn) phải đóng giả làm người yêu của Trần Thị Ngọc Mai (một chiến sĩ biệt động, cháu gái ông chủ hãng sơn Đông Á giàu có).
Tuy nhiên, Huyền Trang mới chính là người yêu thực sự của Tư Chung. Vì nhiệm vụ, Huyền Trang phải cải trang thành ni cô để che mắt kẻ thù. Hóa giải bao hiểu lầm, Tư Chung và Huyền Trang đã quyết tâm về lại bên nhau. Nhưng không may, Huyền Trang bị trúng đạn vào đầu và hy sinh. Ngọc Mai hoán đổi vị trí với Huyền Trang để Tư Chung tiếp tục hoạt động bí mật trong vỏ bọc an toàn.
Vai diễn ni cô Huyền Trang do nghệ sĩ Thanh Loan – một nữ diễn viên có gương mặt đẹp phúc hậu, thánh thiện - đảm nhận. “Bởi vì là phim nên có nhiều chi tiết không giống với đời thực, như nhân vật Huyền Trang của tôi hy sinh. Phim không có những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” như thực tế. Tuy nhiên, tôi rất hoan nghênh những nỗ lực của đội ngũ làm phim. Diễn viên đóng rất tuyệt vời, bộ phim diễn tả cơ bản hoạt động của đơn vị chúng tôi thời ấy. Nhất là cảnh tôi bị đòn roi tra tấn, bị địch dùng điện giật khét cả tay nhưng cương quyết không khai báo, giống hệt với những gì tôi đã trải qua” – Ni trưởng Diệu Thông nhận xét.
Bà chăm chú xem cảnh “Huyền Trang” bị tra tấn trên ghế điện, nhìn lại câu chuyện của chính mình ngày xưa mà ngỡ như mới hôm qua. Đau đớn lắm chứ, nhưng không thể khai, vì nếu khai ra sẽ làm nhiều người chết. Nhưng người lính như bà chỉ có một cách duy nhất: Hy sinh bản thân để bảo vệ tổ chức, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ đất nước. Người này ngã xuống, lại có người khác đứng lên, chấp nhận dùng sự sống của mình để ươm mầm tự do trong tương lai…
Và rồi, chắp nối những ký ức ngắt quãng của mình, bà kể cho chúng tôi nghe tâm sự của nữ biệt động Huyền Trang, từ bước chân chênh vênh giữa đôi bờ đạo và đời, đến ngày bà nhận ra điều mình muốn làm, cần làm…
(còn tiếp)
Bài, ảnh: GIA KHÁNH
Thiết kế hình ảnh: TRUNG HIẾU