Bà Lê Thị Đen: cả đời gồng gánh nuôi cháu, con
Bà Lê Thị Đen
Ngày trước, lúc chồng qua đời sớm cũng chính là lúc bà Đen phải tần tảo mua gánh, bán bưng nuôi 3 đứa con gái nên người. Hai cô con gái lấy chồng ở xa, cô gái út lấy chồng gần nhà. Những tưởng cuộc sống bà đã được an nhàn, vậy mà từ khi cô gái út vừa sinh con được 1 tuổi đã mắc bệnh tiểu đường và lao phổi, con rể thì bỏ xứ đi biệt tăm. Từ đó, bà vừa chăm sóc con gái, vừa nuôi cháu gái còn quá nhỏ.
Hàng ngày, bà hết làm xôi đến chiên bánh đi bán dạo khắp đầu trên, xóm dưới mong có đủ tiền nuôi đến 3 miệng ăn. Năm đi, tháng lại, bệnh tình con gái càng trở nặng, đứa cháu gái vừa học hết cấp tiểu học và sắp bước vào năm học mới càng gia tăng thêm nỗi lo cho bà.
Bà Đen chia sẻ: “Mấy tháng trước, tôi nằm bệnh viện, đứa cháu phải gián đoạn việc học để chăm sóc tôi, nhờ sự động viên, quan tâm của thầy cô, các nhà hảo tâm, đứa cháu tôi được tạo điều kiện đi học trở lại, tôi thấy thật ấm lòng và yên tâm. Về phần tôi, do nhiều năm lao lực, làm việc quá sức nên giờ mắc nhiều bệnh: tăng huyết áp vô căn, bệnh tim do thiếu máu cục bộ mạn, suy tim độ 2, hẹp van động mạch phổi, hở van động mạch chủ và viêm loét dạ dày. Mỗi lần mệt nhiều phải nằm bệnh viện, bác sĩ đề nghị phẫu thuật chữa bệnh tim nhưng với tình cảnh gia đình tôi đành xin về nhà, tiếp tục chịu đựng được lúc nào hay lúc đó”.
Bà Nương Suông: mưu sinh với khóm rau vườn
Bà Nương Suông và con trai
Ở tuổi 63 và mang trong người bệnh hẹp van tim mà bà Nương Suông vẫn phải ngày ngày đi hái rau ven các bờ kênh, con rạch để đổi từng lon gạo. Cuộc sống vất vả như vậy đã đeo đẳng bà mấy chục năm nay, giờ lại càng khó khăn hơn khi chồng bà là ông Danh Dương vừa qua đời. Mất đi 1 trụ cột gia đình, dù buồn tủi nhưng bà phải gắng gượng để nuôi cậu con trai hơn 30 năm cứ nay đau, mai yếu.
Bà Nương Suông chia sẻ: “Mấy ngày nay tôi mới thấy khỏe, chứ hôm trước tôi còn bị chứng đau bao tử và bệnh tim hành hạ, ngầy ngật trong người không yên. Dù đau bệnh nhưng tôi vẫn ráng dậy để còn mang rau ra chợ bán. Cách vài ngày, tôi mới hái được mớ rau sau nhà, mỗi bó rau có giá chỉ vài ngàn đồng, cuối buổi có khi được hai ba chục ngàn đồng, còn hôm nào hái thêm được một số rau dại mới kiếm được năm bảy chục ngàn đồng”.
Điều làm chúng tôi càng thấy xót xa hơn khi bà cho biết, có lẽ căn bệnh đau bao tử đến từ những ngày tháng nhịn ăn của bà. Mỗi buổi sáng, bà đều tất bật đi hái rau, bán rau đến tận trưa mà không có gì lót dạ, cứ trông chờ bán có đủ tiền mua gạo thì 2 mẹ con mới có được bữa cơm đàng hoàng. Cơm ăn còn không được no đủ nên bà ngại lắm chuyện phải đi khám và điều trị bệnh.
Chị Võ Thị Mỹ Nhân, Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Trung Sơn cho chúng tôi biết thêm về hoàn cảnh của bà Nương Suông: “Gia đình ông Danh Dương và bà Nương Suông là hộ nghèo của địa phương nhiều năm nay. Do không có ruộng đất, chữ nghĩa hay nghề nghiệp nên thu nhập gia đình rất bấp bênh. Cả 2 vợ, chồng đều sống nhờ vào công việc hái rau mang ra chợ bán, hoàn cảnh gia đình luôn thiếu trước, hụt sau.
Địa phương đã rất quan tâm, luôn dành những suất gạo, quà Tết từ các nhà hảo tâm giúp đỡ cho gia đình. Nay chủ hộ vừa qua đời, việc mưu sinh của bà càng khó khăn hơn khi sức khỏe ngày càng suy yếu. Mái nhà của 2 mẹ con bà đang ở cũng đang xuống cấp, mỗi lần mưa xuống là dột trước, dột sau. Do vậy, chúng tôi mong các tấm lòng nhân ái gần xa giúp đỡ gia đình bà Nương Suông vượt qua khó khăn và sớm ổn định cuộc sống”.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG