Trả lời báo giới, Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc Nam Gwan-pyo đánh giá động thái trên "sẽ có tác động tốt đến tiến trình phi hạt nhân hóa", đồng thời cho rằng Triều Tiên đang từng bước tiến tới phi hạt nhân hóa. Quan chức này cũng nhận định rằng động thái mới nhất này của Triều Tiên có thể chứng tỏ Bình Nhưỡng đang xúc tiến các nỗ lực phi hạt nhân hóa mặc dù bất đồng với Mỹ.
Hình ảnh do trang mạng 38 North ghi lại cho thấy hoạt động tháo dỡ các cơ sở của bãi thử hạt nhân Sohae ngày 22-7. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trước đó, ngày 23-7, trang mạng 38 North chuyên theo dõi các hoạt động ở Triều Tiên đưa tin nước này dường như đã bắt đầu tiến hành tháo dỡ tại bãi thử Sohae, một trong những bãi thử tên lửa quan trọng của Triều Tiên. Một nguồn tin khác cũng cho rằng Triều Tiên dường như đã tháo dỡ một phần cần trục tháp gần bệ phóng tại bãi thử trên trong ngày 20 và 22-7. Bãi thử Sohae được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công nghệ phục vụ chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên. Giới chuyên gia nhận định đây là động thái quan trọng đầu tiên của Triều Tiên trong việc thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6 vừa qua tại Singapore.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh dường như Washington và Bình Nhưỡng đang bất đồng về thời gian và trình tự thực hiện các bước phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng như những ưu đãi đổi lại của cộng đồng quốc tế đối với quốc gia Đông Bắc Á này. Sau chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompep cho biết đã có cuộc thảo luận hiệu quả với giới chức nước chủ nhà, trong khi Triều Tiên cáo buộc Washington đưa ra những đòi hỏi thái quá đối với tiến trình phi hạt nhân hóa. Theo hãng thông tấn Yonhap, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23-7 nhấn mạnh bất cứ cơ chế hòa bình nào với Triều Tiên sẽ chỉ có được sau khi Bình Nhưỡng đã bãi bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Người phát ngôn trên khẳng định Mỹ cam kết xây dựng một cơ chế hòa bình với mục tiêu thay thế hiệp định đình chiến bằng một hiệp ước hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng đã phi hạt nhân hóa.Chiến tranh Triều Tiên (từ năm 1950 -1953), trong đó Mỹ tham chiến cùng Hàn Quốc đối địch với Triều Tiên, kết thúc bằng một hiệp định đình chiến mà chưa ký hiệp ước hòa bình, vì vậy, về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Theo Báo Tin Tức