Hàng chục hộ dân khốn khổ vì nuôi heo gây ô nhiễm

24/02/2021 - 06:20

 - Theo phản ánh, cuộc sống của hàng chục hộ dân tổ 18 (ấp Bình Quới 2, xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân, An Giang) nhiều năm qua gặp cảnh khốn khổ vì phải chịu mùi hôi thối từ 2 cơ sở nuôi heo ở khu vực giáp ranh.

Các hộ dân trình bày sự việc với phóng viên Báo An Giang

Trình bày sự việc với Báo An Giang, đại diện các hộ dân khiếu nại, ông Lê Quang Khái (sinh năm 1961), ông Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1971) bà Nguyễn Thị Chiên (sinh năm 1968), ông Phan Hữu Trí (sinh năm 1980) cho biết, nhiều năm qua, họ gặp khốn khổ và không biết nói với ai. Bởi, nhà ông Lê Văn Bén và con gái Lê Thị Bích Liên ở giáp ranh nuôi nhiều heo bán thịt, đặc biệt nuôi heo nái để gầy dựng đàn. Diện tích mỗi chuồng nuôi dù chỉ khoảng 20m2 nhưng chất thải thả xuống 2 hầm chứa khá lớn ở liền kề, do không có đường thoát nên nước thải ứ đọng như một ổ vi trùng, nhất là mùi hôi thối. Không chỉ hộ ở giáp ranh bị lãnh đủ, các hộ liền kề cũng không khác khi gặp gió.

Bà Nguyễn Thị Chiên cho biết: “Sau ngày bị phản ánh đến UBND xã Bình Thạnh Đông, 2 hộ nuôi có xả nước chuồng heo nhưng mùi hôi thối vẫn như cũ. Từ nhiều năm qua, gia đình tôi bán thức ăn sáng, nước giải khát để mưu sinh. Trước Tết Nguyên đán vừa qua, người đến ăn uống phản đối, than vãn về mùi hôi thối của việc nuôi heo nên khách hàng dần thưa thớt, rồi ít tới mức khó tồn tại được. Cuối cùng, gia đình tôi phải tạm nghỉ, chờ 2 hộ nghỉ nuôi heo hoặc có biện pháp hữu hiệu để trả lại môi trường trong sạch. Hiện nay, nhà nào cũng phải đóng kín cửa nhưng vẫn không chịu nổi mùi hôi này, nhất là khi vào bàn ăn và khi đêm đến phải tăng thêm quạt mới ngủ được. Dù chòm xóm phải chịu đựng nhưng 2 hộ nuôi không có động thái nào cho phải lẽ. Đến nay, hết chịu đựng nổi, chúng tôi đã làm đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhưng chưa thấy xử lý rốt ráo”.

Bổ sung sự việc, ông Lê Quang Khái (có nhà ở giáp ranh) khẳng định, mùi hôi thối từ nuôi heo của 2 hộ ông Bén và con gái rất khó chịu. Có ít nhất 13 hộ ở xung quanh phải chịu từ nhiều năm qua. "Hiện nay chịu hết nổi, buộc chúng tôi phải lên tiếng đến địa phương và cơ quan ngôn luận vào cuộc giúp đỡ. Từ lâu, cơ sở tôi làm bánh kẹo phải che chắn như một phòng thí nghiệm, nhiều lần bị nhân viên phản đối, đến mức có một số đã nghỉ việc. Vợ chồng tôi đã dùng nhiều cách để giữ chân nhân viên nhưng hiện tại có người đang xin thôi việc. Tôi đề nghị nhà nước có biện pháp ngăn chặn việc ô nhiễm này, bởi nỗi khổ của chúng tôi người trong cuộc mới biết rõ”.

Tại buổi làm việc ngày 4-2 ở UBND xã Bình Thạnh Đông, hộ ông Lê Văn Bén và bà Lê Thị Bích Liên cam kết bán xong 18 con heo nuôi hiện tại sẽ không nuôi thêm, chỉ xin nuôi 1 con heo nái để giữ con nuôi và bán thương phẩm. Khi nuôi, gia đình sẽ xây dựng hệ thống xử lý chất thải hợp vệ sinh theo quy định. Từ nay đến ngày bán, hộ nuôi sẽ thường xuyên vệ sinh chồng trại, khử trùng theo quy định để giảm bớt mùi hôi thối ảnh hưởng đến các hộ xung quanh.

 Đại diện UBND xã Bình Thạnh Đông cho biết, qua phản ánh của các hộ khiếu nại, địa phương đã kiểm tra hiện trạng 2 hộ nuôi, xác định hộ bà Liên nuôi 18 con heo thịt, 1 con heo nái; hộ ông Bén nuôi 1 heo con, 2 heo nái. Diện tích chuồng nuôi 22m2 và 18m2, việc xử lý chất thải bằng hầm tự hoại, xả thải vào túi cao su và gắn ống hơi. Địa phương khẳng định, việc chăn nuôi như trên chưa có hệ thống xử lý chất thải là không đủ điều kiện, không bảo đảm theo quy định về chăn nuôi. Trước mắt, đề nghị 2 hộ nuôi phải thường xuyên khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, phải tìm cách giảm bớt tối đa mùi hôi thối cho các hộ ở xung quanh. Về vụ việc này, địa phương đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Tân kiểm tra hiện trạng chăn nuôi của 2 hộ. Kết quả, việc nuôi heo của 2 hộ không bảo đảm quy định, đề nghị cần xử lý ngay đợt heo đang nuôi, không tiếp tục chăn nuôi do không đủ điều kiện.

Bài, ảnh: N.R