"Chúng tôi đã nhận được thông tin về việc các cầu thủ bị tiếp cận và gạ gẫm tham gia dàn xếp tỉ số. Chúng tôi sẽ xem xét kĩ lưỡng vấn đề, tiến hành điều tra và có các hành động cần thiết khác", hãng tin Reuters dẫn lời chủ tịch Liên đoàn bóng đá Ấn Độ (AIFF) - ông Kalyan Chaubey.
AIFF không tiết lộ các cầu thủ và câu lạc bộ được tiếp cận nhằm phục vụ thao túng các trận đấu. Tuy nhiên, các đội bóng và cầu thủ bị tiếp cận đều chơi ở giải hạng Nhất Ấn Độ (I-League). Chưa rõ các đội bóng ở giải VĐQG (ISL) có liên quan hay không.
Các cầu thủ tại Ấn Độ bị tiếp cận để dàn xếp tỉ số.
AIFF đang siết chặt công tác quản lý các giải bóng đá chuyên nghiệp ở đất nước tỉ dân, hướng đến việc chống lại các mối đe dọa dàn xếp tỉ số. Đồng thời, các cầu thủ, quan chức đội bóng cần nhận thức rõ vấn đề tiêu cực, báo cáo cho các nhà chức trách khi cần.
Cách đây 10 năm, AIFF từng thành lập cơ quan chống tiêu cực riêng khi các cầu thủ nước này bị tổ chức cá cược tại Malaysia tiếp cận đề dàn xếp tỉ số. Gần đây nhất vào năm 2018, nhiều đội bóng ở Ấn Độ đồng loạt thông báo với Liên đoàn rằng họ đã bị lôi kéo tham gia bán độ.
Reuters dẫn lời thêm một quan chức cấp cao của AIFF: "Một số cầu thủ đã báo cáo cách họ bị tiếp cận, đồng thời kết quả của một vài trận đấu tương tự như với báo cáo và khiến chúng tôi nghi ngờ. Bức tranh rõ ràng hơn chỉ xuất hiện sau khi cuộc điều tra kết thúc".
Trong năm 2023, không ít vụ bán độ, dàn xếp tỉ số bóng đá trên khắp thế giới bị phanh phủi ở nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức hay Thụy Sỹ. Thậm chí, một số nhà cái đến từ châu Á có trụ sở ở Singapore bị "điểm tên" như chủ mưu.
Các trận đấu bị dàn xếp trải dài ở nhiều giải vô địch quốc gia, nhiều hạng đấu và một số trận đấu tại vòng loại Euro, cúp C1 châu Âu cũng nằm trong diện nghi vấn.
Theo VTC