Thu hoạch cá tra cung cấp cho nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu tại hộ nông dân nuôi liên kết với doanh nghiệp ở xã Bình Hoà, huyện Châu Thành. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN
Về xuất khẩu, riêng trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22% so với tháng 7/2021. So với tháng 7/2021, chỉ có 3 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng là sắn và sản phẩm từ sắn tăng 26,6%; sản phẩm từ ngũ cốc tăng trên 1%; sữa và sản phẩm sữa tăng 0,8%; còn lại đều giảm mạnh về giá trị xuất khẩu.
Giảm mạnh nhất là sản phẩm gỗ với mức giảm trên 50%; cá tra và tôm giảm gần 30%; rau củ giảm gần 26%; phân bón giảm gần 24%; hồ tiêu giảm 21,5%…
Nguyên nhân chính do dịch COVID-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp/nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp/nhà máy chỉ hoạt động từ 30-40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có F0.
Mặc dù xuất khẩu tháng 8 giảm mạnh, nhưng nhờ có sự bứt phá mạnh ngay từ những tháng đầu năm nên tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31,1%.
Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: cà phê, cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ. mây, tre, cói thảm, quế…
Đặc biệt, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn có sự tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể: cao su tăng 23,3% khối lượng, 61,4% giá trị; hạt điều tăng trên 19% về khối lượng, trên 15% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn cũng có mức tăng tương ứng là 13,4% và 28,4%.
Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm 1,3% nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng trên 50% và đạt 666 triệu USD. Hay, cà phê dù khối lượng giảm gần 7% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng nhẹ trên 1%. Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ tăng khối lượng như: sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ...
Hai mặt hàng giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu dù giá xuất khẩu bình quân tăng gồm: gạo và chè. Điển hình như: giá xuất khẩu gạo bình quân 8 tháng đạt 535,3 USD/tấn, tăng 9,4% nhưng vì số lượng xuất khẩu giảm 14,8% nên giá trị xuất khẩu giảm 6,8%.
Thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 41,5% thị phần; châu Mỹ 31,3%; châu Âu 11,3%; châu Phi 1,9%; châu Đại Dương 1,5%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam với giá trị đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 29,1% thị phần; trong đó, giá trị nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 71% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với gần 6,1 tỷ USD, chiếm 18,9% thị phần và riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 25,5%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu; thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các thị trường: Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga… trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp.
Bộ tiếp tục hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, đặc biệt là nhãn, thạch đen, vải, nhãn, xoài, khoai lang, ớt… những nông sản đang vào vụ thu hoạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc…
Bộ cũng phối hợp chặt với các bộ, ngành và cơ quan thương vụ tại nước ngoài nắm bắt thông tin thị trường, thông tin kịp thời đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu; các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi các hiệp định thương mại tự do.
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và tiếp tục thúc đẩy hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản trong tình hình phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tạm thời áp dụng thẩm định, đánh giá trực tuyến thay thế cho việc thẩm định, đánh giá trực tiếp tại hiện trường một số thủ tục hành chính.
Đó là thủ tục xác nhận cam kết hoặc chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu; thủ tục thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong số đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 57,7%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 6,6%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 19,3%; nhóm lâm sản chính khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 38,3%; nhóm đầu vào sản xuất gần 5 tỷ USD, tăng 36%.
Việt Nam nhập khẩu nông sản lớn nhất từ Campuchia với giá trị đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 10% thị phần; trong đó, mặt hàng điều chiếm 72,2% giá trị. Tiếp theo là Hoa Kỳ đạt trên 2,7 tỷ USD, chiếm 9,3%; riêng mặt hàng bông chiếm 36,3%.
Theo BÍCH HỒNG (Báo Tin Tức)