Sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân trình Quốc hội vào tháng 10/2025

02/07/2025 - 19:59

Chiều 2/7, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Tài chính, các nội dung liên quan đến chính sách thuế đã thu hút sự quan tâm của báo chí. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang triển khai nhiều đề án cải cách trong lĩnh vựcthuế để hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm công bằng, minh bạch, phù hợp thực tiễn.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) trao đổi với báo chí tại buổi họp báo. (Ảnh: BTC)

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) trao đổi với báo chí tại buổi họp báo. (Ảnh: BTC)

Cải cách thuế thu nhập cá nhân bảo đảm phù hợp với thực tiễn

Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Tài chính chiều 2/7, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang khẩn trương thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ giao tại Nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2025, liên quan đến việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lập đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế, báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Ngày 21/6, Chính phủ đã thống nhất chủ trương và giao Bộ Tài chính báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới. Đây là dự án luật có phạm vi sửa đổi toàn diện, thay thế các quy định hiện hành.

Theo ông Trương Bá Tuấn, nội dung sửa đổi dự kiến tập trung vào sáu nhóm chính sách lớn.

Thứ nhất, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về xác định thu nhập chịu thuế và phương pháp tính thuế đối với từng loại thu nhập, bảo đảm phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Thứ hai, rà soát, bổ sung các khoản thu nhập được miễn thuế, nhất là những khoản gắn với chủ trương mới của Đảng và Nhà nước như thu nhập trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh.

Thứ ba, nghiên cứu điều chỉnh ngưỡng doanh thu tính thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh cho sát với thực tế. Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Quốc hội cho phép giao Chính phủ quy định ngưỡng doanh thu theo từng giai đoạn thay vì quy định cứng trong luật. Thứ tư, xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phản ánh đúng thay đổi về mức sống của người dân. Đồng thời, bổ sung một số khoản chi phí đặc thù được giảm trừ khi tính thuế nhằm hỗ trợ người dân, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Thứ năm, sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công theo hướng thu gọn số bậc thuế (hiện nay có bảy bậc).

Thứ sáu, rà soát các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân liên quan đến các nghị quyết đặc thù của Quốc hội thời gian gần đây như Nghị quyết về phát triển khoa học công nghệ, trung tâm tài chính quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân… Đồng thời, hoàn thiện các quy định về kê khai, khấu trừ, nộp thuế để bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành khác, đặc biệt là Luật Quản lý thuế.

“Bộ Tài chính đã khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao. Sau khi có phương án thống nhất trong nội bộ, Bộ sẽ tham vấn ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và công khai toàn bộ hồ sơ dự thảo luật trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân”, ông Trương Bá Tuấn cho biết. Ông Tuấn khẳng định Bộ đang bám sát tiến độ để trình Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2025.

Bỏ thuế khoán từ năm 2026, phân loại hộ kinh doanh theo 4 nhóm doanh thu

Cũng tại buổi họp báo, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đề xuất xóa bỏ phương pháp thuế khoán từ ngày 1/1/2026. Việc này thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

img-5556.jpg

Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: MINH PHƯƠNG)

Theo ông Mai Sơn, mục tiêu của việc bỏ thuế khoán là minh bạch hóa nghĩa vụ tài chính, tạo môi trường kinh doanh công bằng giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, cũng như giữa người làm công ăn lương và người kinh doanh. Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều hộ kinh doanh nhỏ tại chợ truyền thống hay hàng quán có doanh thu thấp hoặc chỉ nhỉnh hơn ngưỡng chịu thuế vẫn phải nộp mức khoán cố định, gây bất hợp lý.

Để thay thế phương pháp khoán, Dự thảo luật đề xuất chia hộ, cá nhân kinh doanh thành bốn nhóm doanh thu, áp dụng phương pháp quản lý và nghĩa vụ thuế khác nhau.

Cụ thể, nhóm 1: Hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng mỗi năm. Nhóm này không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, chỉ cần ghi chép thu chi đơn giản.

Nhóm 2: Hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng mỗi năm. Dự kiến sẽ có lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền trong giai đoạn 2027–2028. Nhóm này sử dụng sổ kế toán đơn giản theo mẫu của Bộ Tài chính.

Nhóm 3: Hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng có doanh thu từ 1 đến 3 tỷ đồng mỗi năm; hoặc trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu từ 1 đến 10 tỷ đồng mỗi năm. Nhóm này bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử và thực hiện chế độ kế toán đơn giản.

Nhóm 4: Hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm. Nhóm này bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử và áp dụng chế độ kế toán tương tự doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất nâng gấp đôi mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân so với mức hiện hành, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân theo quy mô doanh thu. Những điều chỉnh này nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ và khuyến khích phát triển theo hướng minh bạch, chính quy.

Theo Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, từ ngày 1/1/2026, lệ phí môn bài cũng sẽ được bãi bỏ đối với hộ kinh doanh. Như vậy, sau khi bỏ thuế khoán và lệ phí môn bài, hộ kinh doanh phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo phương thức mới, phù hợp với quy mô và lĩnh vực hoạt động.

Tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 19/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc khẳng định việc xóa bỏ thuế khoán là chủ trương đúng đắn, nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo công bằng trong xã hội. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cần thiết kế chính sách thuế linh hoạt, phù hợp với hộ nghèo và hộ kinh doanh nhỏ. Với hộ có doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm, có địa điểm kinh doanh ổn định, cần khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử để minh bạch và tạo điều kiện phát triển. Trong khi đó, với hộ có doanh thu dưới 1 tỷ đồng, cần cân nhắc lộ trình và phương pháp phù hợp, tránh thiệt thòi vì không có hóa đơn đầu vào để khấu trừ thuế.

Theo MINH PHƯƠNG (Nhân dân)