Hàng quán ế ẩm vì dịch bệnh Covid-19

16/03/2020 - 06:52

 - Khác hẳn với không khí nhộn nhịp thường thấy như trước đây, nhiều nhà hàng, quán ăn trở nên vắng vẻ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Hoạt động kinh doanh khó khăn trong giai đoạn vật giá leo thang, nay càng trở nên ế ẩm hơn khi dịch bệnh Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu và diễn biến rất phức tạp.

Gần 1 tháng nay, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới, dịch bệnh đã có những tác động sâu sắc đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, như: kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch, lữ hành… thậm chí đến những người bán hàng rong, “mua gánh, bán bưng” cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Nhiều nơi mua bán sôi động, nhiều hàng quán trước đây rất nhộn nhịp nay vắng vẻ đến lạ thường, thậm chí nhiều chỗ phải tạm đóng cửa hoặc “sang quán” do không cầm cự nổi.

Quán T., trên đường Nguyễn Thái Học (phường Mỹ Bình) là địa chỉ quen thuộc trong giới ẩm thực ở TP. Long Xuyên (An Giang). Khoảng 17 giờ chiều, lúc nào quán cũng có hơn 10 bàn khách gồm nhiều thành phần, như: công nhân, viên chức, lao động… với không khí rất xôm tụ.

“Từ Tết Dương lịch, trước tác động của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” được Thủ tướng ký ban hành ngày 30-12-2019 và có hiệu lực ngày 1-1-2020, nhiều hàng quán, nhất là những quán bia suy giảm lượng khách rõ rệt.

Nhiều người sợ mức phạt quá cao mà không dám tiệc tùng, uống bia ở hàng quán như trước đây. Mặc dù nhiều quán bố trí xe đưa khách về nhà nhưng lượng khách giảm hơn 50%. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng nhiều nơi, lượng khách càng sụt giảm nhiều hơn”- quản lý quán T. cho biết.        

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều hàng quán sụt giảm trên 50% khách

Những tuyến đường như: Phạm Cự Lượng (phường Mỹ Phước và Mỹ Quý), Bùi Văn Danh (phường Mỹ Xuyên), Hàm Nghi (phường Bình Khánh), Trần Nhật Duật, Hùng Vương (phường Mỹ Long)… luôn được đông đảo thực khách tìm đến, bởi có nhiều nhà hàng, quán ăn. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, những “cung đường ẩm thực” này cũng trở nên vắng vẻ, không còn sôi động như trước.

Anh Sang (quản lý một quán ăn có tiếng trên đường Phạm Cự Lượng, phường Mỹ Phước) ngán ngẫm cho biết: “Trước Tết Dương lịch, tối nào quán cũng rất đông vui, 11 giờ đêm vẫn còn 4-5 bàn khách. Từ khi xảy ra dịch bệnh, buôn bán ế ẩm, riết phát chán. Tối nào cũng lèo tèo vài bàn khách, không đủ chi phí thuê mặt bằng, trả lương nhân viên. Khách hàng không chỉ sợ dịch bệnh Covid-19, mà còn lo sợ bị cảnh sát giao thông thổi phạt nồng độ cồn, vì mức phạt cao hơn trước rất nhiều. Tôi có người quen thuê mặt bằng bán quán bia trên đường Lý Thái Tổ, do tình trạng ế ẩm kéo dài đã phải “sang quán” vì không trụ nổi”.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, do sinh viên, học sinh nghỉ học dài ngày và do tâm lý e ngại dịch bệnh lây lan nên nhiều hàng quán trên đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Linh (khu vực thu hút rất đông thực khách là sinh viên) trở nên vắng vẻ. Nhiều nơi do kinh doanh ế ẩm đã trả mặt bằng, do không còn trụ nổi, vì thế mặt bằng hiện nay không còn “khan hiếm” như trước đây. Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chuyện xin việc làm thêm của sinh viên trong giai đoạn này rất khó khăn.

“Từ Tết đến nay, tranh thủ thời gian được nghỉ, em đã liên hệ nhiều nơi để tìm việc làm thời vụ để trang trải chi phí học tập nhưng chỗ nào cũng lắc đầu. Hầu hết các nơi đều chung lý do là bán buôn ế ẩm, nhiều nơi còn tính chuyện giảm bớt nhân viên hoặc “đóng cửa”, nên không tuyển thêm người” - Thu Trang (sinh viên Trường Đại học An Giang) cho biết.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu khống chế được dịch bệnh Covid-19 trong quý I-2020 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta cả năm 2020 dự báo đạt 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với chỉ tiêu 6,8% đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ. Nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II-2020 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với mục tiêu.

 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích