Hàng quán hoạt động trở lại: Mở cửa trong kiểm soát

21/12/2021 - 05:59

 - Sau thời gian dài chỉ bán mang về, từ ngày 20-12, hàng quán kinh doanh ăn uống trên địa bàn tỉnh An Giang được phép phục vụ tại quán (ngoại trừ bia, rượu) với quy mô 50% công suất và đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Ghi nhận ở các địa phương, người dân chấp hành quy định, thực hiện thông điệp “5K”, đảm bảo khoảng cách an toàn, không chủ quan trước dịch bệnh...

Nhộn nhịp kinh doanh

Trong Công văn 1435/UBND-KGVX ngày 17-12, UBND tỉnh An Giang thống nhất chủ trương ngừng áp dụng biện pháp yêu cầu người dân không ra đường từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau (trừ các địa phương thuộc cấp độ 4). Trên cơ sở đánh giá cấp độ dịch trên toàn tỉnh (thuộc cấp độ 2 trong 3 tuần qua); đồng thời chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội cuối năm (như lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết cổ truyền dân tộc) đang đến gần, cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, mua bán trở lại trong trạng thái bình thường mới, nhưng vẫn phải thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch.

 Được sự thống nhất của Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố ban hành biện pháp hành chính tương ứng đảm bảo an toàn, thích ứng linh hoạt và kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch tại địa phương theo quy định.

Tại huyện biên giới An Phú, khi nắm được thông tin UBND tỉnh cho phép hàng quán phục vụ tại chỗ, chị Bùi Thị Nga (ngụ ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường) rất vui mừng, vì quán bán mì, hủ tiếu của chị có thể kinh doanh tốt hơn. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, chị Nga đã dọn vệ sinh bàn ghế, chuẩn bị thêm nước rửa tay sát khuẩn. “Mỗi tô hủ tiếu có giá 17.000 đồng. Buổi sáng đầu tiên cho khách ăn tại chỗ, tôi bán được gần 100 tô. Ai cũng chấp hành quy định, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách” - chị Nga cho biết.

Tuy nhiên, theo chị Lê Thị Tường Vi (chủ quán Tường Vi, thị trấn An Phú), dù được cho phép ăn tại quán, chủ yếu khách vẫn mua về như trước. Tương tự, anh Nguyễn Thành Trị (chủ quán cà phê Sông Xanh, xã Vĩnh Trường) vui mừng được bán trở lại. Ưu điểm của quán là khá rộng, thoáng, nhưng khách đến thưa thớt vì ngại dịch bệnh.

“Dịch bệnh khiến đời sống của mọi người đều bị ảnh hưởng. Chúng tôi vui vì được đón khách trở lại nhưng vẫn luôn tuân thủ thông điệp “5K”. Khách vào quán cũng ý thức, tự ngồi giữ khoảng cách theo quy định. Quán trang bị cồn, nước rửa tay, để sẵn khẩu trang cho khách khi cần thiết” - chị Đặng Tuyết Mai (chủ quán cà phê tại chợ thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn) cho biết.

Ở địa bàn huyện cù lao Chợ Mới, Phú Tân, nhìn chung, người bán và người mua chấp hành nghiêm quy định. Chủ quán Nguyễn Kim Cúc (ngụ huyện Phú Tân) tất bật bán điểm tâm cho khách ăn tại chỗ. Dù phục vụ số lượng ít, quy mô bố trí bàn ghế vừa phải, chị vẫn rất thoải mái tư tưởng: “Quan trọng là tôi có thu nhập, đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Khách hàng vẫn chủ yếu mang về, còn khách ngồi tại chỗ là khách quen ở gần, hoặc người quen. Nếu xuất hiện khách lạ, tôi cũng đề nghị mua mang về để đảm bảo an toàn chung”.

Bà Huỳnh Thị Gái (người dân xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân) cho biết, đã rất lâu bà mới được ra quán ngồi ăn sáng, cảm thấy vui và thoải mái vì cuộc sống ngày thường của mọi người đã trở lại. Bà quan sát quán khá vắng, lượng người vừa phải mới quyết định vào ăn. Trước khi vào bà còn cẩn thận rửa tay sát khuẩn, ngồi khoảng cách để đảm bảo an toàn.

Tranh thủ ăn sáng tại quán cà phê cùng gia đình, chị Trần Bảo Yến (ngụ thị trấn Tri Tôn) chia sẻ: “Lâu lắm rồi tôi mới được ngồi tại chỗ thưởng thức món ăn mình ưa thích. Trong tiết trời se lạnh, thức ăn mua về không còn ngon như ăn trực tiếp. Dù ngồi tại chỗ nhưng gia đình rất yên tâm vì thấy cả chủ quán và khách đều có ý thức phòng dịch, tự giữ khoảng cách với nhau”. Hiểu được nhu cầu của thực khách, nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn huyện Tri Tôn mở cửa phục vụ nhưng đảm bảo phòng dịch theo quy định. Các hàng quán bố trí bàn khoảng cách tối thiểu 2m, trang bị nước rửa, dán mã QR để khách quét điểm đến…

Mở cửa trong kiểm soát

Là một trong 2 địa bàn vùng cam của tỉnh, huyện Châu Phú được đánh giá mức độ dịch ở cấp độ 3 (trong đó có 1 xã cấp độ 1, 7 xã cấp độ 2 và 5 xã, thị trấn cấp độ 3). Tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn huyện khá cao (mũi 1 đạt trên 103%, mũi 2 đạt 98,7%). Đối với trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm vaccine mũi 1 đạt 95,3%, mũi 2 đạt 87,6%. Địa phương tiêm vaccine mũi bổ sung cho người từ 50 tuổi trở lên có bệnh nền theo hướng dẫn của Sở Y tế đạt tỷ lệ 32,67%. Do đó, mặc dù huyện được đánh giá mức độ dịch ở cấp độ 3, nhưng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn được phục vụ tại chỗ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Văn Bé Tám cho biết: “UBND huyện giao UBND xã, thị trấn tùy tình hình thực tế tại địa bàn, áp dụng biện pháp phòng dịch phù hợp cấp độ dịch. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ, tùy theo quy mô mà phục vụ số lượng khách phù hợp; phải đảm bảo thực hiện nghiêm “5K”, giữ khoảng cách, quét mã QR…”. Hiện, có trên 70% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện hoạt động trở lại. UBND huyện giao UBND xã, thị trấn giám sát việc đảm bảo biện pháp phòng dịch COVID-19 đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đang hoạt động.

Tương tự, huyện Tịnh Biên được đánh giá mức độ dịch “vùng cam”, đang tập trung kiểm soát dịch bệnh. Các cấp ngành trên địa bàn huyện tăng cường tuyên truyền nhân dân chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Ghi nhận trong sáng 20-12, các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó, nhắc nhở, chấn chỉnh trường hợp chưa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Tại TP. Long Xuyên, đặc thù đô thị trung tâm sẽ có lượng khách đến hàng quán đông đảo hơn. Vì vậy, các đoàn kiểm tra tăng cường hoạt động. Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Phước Huỳnh Thanh Hùng cho biết: “Nhìn chung, hàng quán trên địa bàn phường thực hiện tốt quy định. Tuy nhiên, một số quán chưa trang bị mã quét QR, phục vụ quá 50% công suất, chưa đảm bảo khoảng cách 2m giữa các bàn. Chúng tôi đã nhắc nhở, tuyên truyền để chủ cơ sở lưu ý, thực hiện đầy đủ”.

Hiện, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là chủng virus Omicron có tốc độ lây lan nhanh, độ nguy hiểm chưa xác định, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam cao. Trong khi đó, dù cơ bản kiểm soát được, nhưng dịch bệnh trong tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và số ca tử vong vẫn tăng. Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nâng cao ý thức, đừng chủ quan lơ là; tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, áp dụng triệt để việc mang khẩu trang khi ra ngoài và trong các hoạt động giao tiếp với mọi người. Có như thế, những bữa ăn ở hàng quán mới thật sự an toàn, vui tươi, tạo tâm thế tích cực cho mỗi người trước thềm năm mới.

Tạm nghỉ nhiều ngày, chị Bùi Thị Nga mới bắt đầu mở cửa bán ăn sáng trở lại

An Giang đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đến ngày 20-12, tỉnh An Giang tiếp tục duy trì cấp độ 2 (vùng vàng). Đối với cấp huyện: cấp độ 1 (vùng xanh) có 2 địa phương là huyện Phú Tân và Tri Tôn; cấp độ 2 (vùng vàng) có 7 địa phương là huyện Thoại Sơn, An Phú, Châu Thành, Tân Châu, Chợ Mới, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc; cấp độ 3 (vùng cam) có 2 địa phương là huyện Châu Phú và Tịnh Biên. Tỷ lệ bao phủ vaccine của tỉnh, đối với người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt trên 98%, mũi 2 trên 95%; tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 54%. Tỷ lệ này đang tiếp tục được nâng lên, quyết tâm cuối tháng 12-2021, nhân dân trong tỉnh đều được tiêm đủ liều vaccine, góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ, huyện Phú Tân còn nhắc nhở, tuyên truyền về Đại lễ Đản sinh lần thứ 102 của Đức Huỳnh Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo. Theo đó, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và Ban Trị sự cơ sở không lập lễ đài, chỉ tập trung tổ chức nội bộ. Mỗi cơ sở có phương án phòng, chống dịch theo quy định tại nơi tổ chức lễ…

Hiện nay, nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị công sở nhiễm COVID-19, qua công tác tầm soát tại đơn vị. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo đơn vị tăng cường giải pháp quản lý nhân sự chặt chẽ; công chức gương mẫu chấp hành quy định phòng, chống dịch; hạn chế tối đa tham gia hoạt động vui chơi, tụ tập, tiệc tùng sau giờ làm. Khi có ca F0 trong đơn vị, phải nhanh chóng bóc tách, thực hiện cách ly, điều trị theo quy định. Căn cứ tình hình thực tế tại từng đơn vị, người đứng đầu xem xét, tổ chức xét nghiệm định kỳ đối với nhân sự trong đơn vị.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

 

Liên kết hữu ích