Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các biện pháp cứng rắn để ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 lây lan, trong đó có lệnh đóng cửa các trường học.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết khoảng 290,5 triệu học sinh, sinh viên phải nghỉ học trong vài tuần sau khi hơn 10 nước trên thế giới tuyên bố đóng cửa trường học, trong đó Italy và Ấn Độ là hai quốc gia mới nhất đưa ra quyết định này.
Yên tâm hơn khi con hạn chế tiếp xúc với môi trường dễ lây bệnh, song trông con cũng là một thử thách không hề đơn giản đối với các ông bố, bà mẹ.
Khi bà Mayumi Iijima hay tin các trường học trên khắp Nhật Bản sẽ đóng cửa do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, phản ứng đầu tiên của bà mẹ 40 tuổi có 2 con nhỏ này là sửng sốt.
Trường học đóng cửa do lo ngại dịch COVID-19 tại Hokkaido, Nhật Bản, ngày 27-2-2020. (Ảnh: THX-TTXVN)
Tương tự các bậc cha mẹ từ Italy đến Iran, cô Iijima đang phải vật lộn tìm cách để đảm bảo việc học tập của các con mình không bị gián đoạn, cũng như để chúng có thể giải trí với những hoạt động lành mạnh khi ở nhà trong thời gian trường học đóng cửa.
Hiện, gần như toàn bộ các tỉnh ở Nhật Bản đã đóng cửa các trường học từ ngày 2-3, bốn ngày sau khi Thủ tướng nước này Shinzo Abe đề nghị tất cả các trường học trên toàn quốc tạm thời đóng cửa để phòng dịch COVID-19 lây lan rộng.
Dù các trường mẫu giáo và các câu lạc bộ ngoại khóa vẫn tiếp tục mở cửa, song cậu con trai Torao 9 tuổi và cô con gái Koto 8 tuổi của cô Iijima đều bị ảnh hưởng.
Để hỗ trợ cho những người phụ nữ có hoàn cảnh tương tự, công ty Jinjibu của cô Iijima đã cho phép mang con tới văn phòng làm việc, dành riêng một phòng hội nghị và khu yến khích các nhân viên khác hỗ trợ chăm sóc những đứa trẻ để mẹ chúng yên tâm làm việc.
Dù rất biết ơn với sự hỗ trợ này, song cô Iijima vẫn lo lắng với tình hình học tập của các con và hy vọng trường học sẽ sớm mở cửa trở lại.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), các trường học đã đóng cửa từ đầu tháng Hai và dự kiến tình trạng này sẽ kéo dài cho đến sau lễ Phục sinh (ngày 12-4).
Nhiều giáo viên đang chuyển sang sử dụng các ứng dụng cuộc gọi hội nghị để tương tác với sinh viên song điều này đòi hỏi chất lượng truy cập Wifi tốt và khả năng sử dụng máy tính.
Giáo viên tiểu học Billy Yeung làm việc tại một ngôi trường có nhiều học sinh thuộc các gia đình có thu nhập thấp và cha mẹ thường không nắm rõ cách tải các tài liệu trực tuyến.
Một số gia đình không có điều kiện lắp đặt cục phát Wifi tại nhà, trong khi số khác phàn nàn họ đã dùng hết dung lượng data trên điện thoại di động để tải các tài liệu học cho con.
Elsa Wong, một mẹ đơn thân, cho biết việc học tại nhà của cậu con trai 11 tuổi mắc chứng rối loạn tăng động có sự tiến triển khi cậu bé cảm thấy thoải mái và tập trung hơn. Tuy nhiên, việc dạy học cho con cũng gặp khó khăn khi cô vẫn phải đảm bảo công việc dù làm việc tại nhà.
Trong khi đó, đối với một số học sinh ở thành phố nơi sự cạnh tranh học tập luôn ở mức cao, việc các trường học đóng cửa lại được xem như dịp "xả hơi," giúp những đứa trẻ ít căng thẳng và ít áp lực hơn do các tiết học trực tuyến đã được giảm tải.
Tại Hàn Quốc, việc các trường học đóng cửa ít nhất cho tới ngày 23-3 tới lại đang khiến các phụ huynh đau đầu bởi những đứa trẻ đều cảm thấy buồn chán khi chỉ quanh quẩn trong nhà, không thể ra ngoài chơi hoặc tụ tập bạn bè. Thứ giúp chúng tiêu khiển duy nhất là xem tivi và "cắm mặt" vào điện thoại cả ngày.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nước không đóng cửa trường học dù dịch bệnh lan rộng, trong đó Singapore là một ví dụ điển hình.
Cho tới nay, Chính phủ Singapore vẫn kiên quyết không đóng cửa trường học, cho rằng điều này sẽ gây xáo trộn cuộc sống của nhiều người. Bộ Y tế Singapore cho rằng thậm chí nếu tất cả học sinh đều ở nhà, không có gì để bảo đảm chúng sẽ không bị lây nhiễm.
Theo PHƯƠNG OANH (Vietnam+)