Vợ chồng chị Diệu bên căn nhà Đại đoàn kết được địa phương hỗ trợ
Trong căn nhà Đại đoàn kết được địa phương cất cho vào năm 2017, chị Diệu không giấu được sự vui mừng khi có khách đến thăm. Bởi với chị, chuyện bạn bè đã rất hiếm nói gì đến có khách đến chơi nhà. Trong căn nhà ấm áp, dù không rộng rãi, vật bày trí cũng chẳng có gì quý giá, nhưng nhìn gương mặt người phụ nữ ngũ tuần ấy, chúng tôi biết chị đang rất hạnh phúc với những gì mình đang có. Tất tả lần mò từng chiếc ghế trong nhà mời khách ngồi, chị Diệu cười thẹn thùng bảo rằng trước khi lấy chồng, công việc chính của chị là massage cho các cơ sở ở TP. Long Xuyên và TP. Hồ Chí Minh. Còn bây giờ, chị ở nhà nội trợ là chính vì đã có chồng lo lắng, đỡ đần. Tất nhiên, để có được hạnh phúc như hôm nay, chị trải qua nhiều khó khăn, thử thách và lắm biến cố trong cuộc đời. Đặc biệt, khi được hỏi đến đôi mắt, chị chia sẻ bằng giọng thổn thức khiến ai cũng phải xót xa.
Trong 5 anh em, gia đình chị Diệu có đến 2 người bị teo rút tứ chi, không đi đứng như người bình thường. Nặng hơn là người em út (29 tuổi), vừa bị động kinh, vừa bị teo rút tay chân, trí não như 1 cậu bé mới lên 5. Lúc mới sinh, chị Diệu cũng lành lặn như bao người. Nhưng cơn sốt phát ban năm 7 tuổi quá nặng đã để lại di chứng trên đôi mắt của chị. Từ một cô bé hồn nhiên, chẳng biết lo buồn, chị Diệu phải đối diện với cả màn đêm tăm tối. “Lúc đó, tôi hụt hẫng và tuyệt vọng lắm! Cứ nghĩ đến cảnh không còn nhìn thấy ánh sáng nữa, tôi khóc đến hết nước mắt. Sau bao ngày vật vã, tôi nghĩ rằng, cha mẹ đã ban tặng cho mình sự sống, nếu không biết trân quý lẽ nào là đứa con bất hiếu. Thế là tôi tập quen với bóng tối, quen với sự chế giễu của những bạn đồng trang lứa để tiếp tục sống vui, sống tốt” - chị Diệu chia sẻ.
Mãi đến khi đã trưởng thành, chị mới được người quen giới thiệu học nghề massage miễn phí để gọi là có cái nghề như bao người. Nhưng thương con gái, cha lại không chịu cho đi học nghề ở xa. Nhưng với quyết tâm tự lập và muốn đỡ đần cha mẹ, chị Diệu cố gắng thuyết phục để cha đồng ý. Chưa đầy 1 tháng, chị đã học rành nghề massage, sau đó xin đi làm ở các cơ sở massage khiếm thị ở TP. Long Xuyên. Mỗi suất, chị được trả công 22.000 đồng. Nếu siêng năng, chịu khó, mỗi tháng chị cũng tích lũy được chút ít để phòng thân. Những tưởng thế là quá hạnh phúc với người phụ nữ khiếm thị ấy. Nhưng cái duyên đã đưa đẩy chị Diệu quen biết người đàn ông lớn hơn mình 20 tuổi. “Lúc đầu, chúng tôi chỉ nói chuyện qua điện thoại, làm quen như 2 anh em. Thời gian đó khá dài, không biết từ khi nào mà tôi lại thoải mái trò chuyện những chuyện vui buồn của mình cho người chưa từng gặp mặt ấy. Biết tôi bị bệnh, người đó đã đến xuống tận nhà chăm sóc thuốc thang hơn cả tháng trời. Lúc đó, ông ấy cũng không ngại nói tuổi tác của mình, tôi dù không nhìn thấy nhưng cũng cảm nhận được tấm chân tình của người đàn ông lớn tuổi này. Chuyện tình của vợ chồng tôi bắt đầu là vậy. Song, cha là người phản đối rất quyết liệt vì thấy chúng tôi chênh lệch tuổi tác. Tin vào con tim và trực giác bản thân, chúng tôi vẫn quyết định đến với nhau. Rồi được bà con, hàng xóm nói vào, cuối cùng ba cũng nguôi ngoai, chấp nhận” - chị Diệu cho biết.
Với cuộc sống nhiều khó khăn, chị Diệu và chồng đưa nhau tìm sinh kế ở xứ người. Chồng chị Diệu làm công việc bảo vệ cho một công ty ở Bình Dương, chị ở nhà cơm nước, thỉnh thoảng nhận vài khách quen massage để kiếm thêm thu nhập. Với mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng của chồng, 2 người tạm gọi là ổn định, có chút ít gửi về phụ giúp gia đình, lo lắng các em. Chẳng may, mấy tháng trước, chồng chị Diệu bị bông gân chân, đi đứng khó khăn nên phải về quê dưỡng bệnh. Thời gian này, chị còn phụ mẹ chăm sóc em út khờ khạo của mình. Vợ chồng chị dự định khi nào sức khỏe chồng chị ổn định sẽ tiếp tục đi Bình Dương mưu sinh như trước. Dẫu có quyết định thế nào, chúng tôi vẫn cầu chúc chị sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh phúc với tổ ấm nhỏ của mình!
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Vĩnh Khánh Đỗ Văn Mẫn cho biết: “Năm 2017, địa phương đã xét cất cho vợ chồng cô Diệu căn nhà Đại đoàn kết với số tiền 37 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng, cô Diệu còn nhận được tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật để trang trải cuộc sống. Nhờ chịu khó làm ăn nên vợ chồng cô Diệu rất được bà con, xóm làng quý mến”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN