Đó là cảm giác thật hạnh phúc của anh Đặng Hoàng Duy (ngụ ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh), ngày nào cũng vậy, khoảng 6 giờ sáng sau khi chuẩn bị đi làm, anh Duy ghé ngang Bếp ăn từ thiện xã Mỹ Khánh để nhận công việc mang tặng buổi ăn sáng cho người nghèo.
Anh Duy chia sẻ: “Tôi đi làm ở trung tâm TP. Long Xuyên, sẵn tiện trên đường đi tôi mang những suất ăn sáng đến tặng những cụ già cô đơn, bị tai biến, con cháu lao động vất vả làm ca đêm chưa kịp về nhà lo cho ông bà, cha mẹ. Có hôm bận việc quá, tôi mang vài chục suất ăn gửi ở điểm chùa. Những cụ già bán vé số, người lao động nghèo đã biết địa chỉ sẽ tự đến nhận và ăn lót dạ trước khi bắt đầu ngày làm việc mới”.
Anh Duy mang cháo đến tặng cụ già ở xã.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Khánh), là người gắn bó với bếp ăn từ thiện hơn 6 năm cho biết: “Những món ăn sáng có thể là cháo đậu đen, cháo lá dứa, cháo trắng dưa muối, cơm, hủ tiếu, bánh canh, mì, nui… tùy vào lượng thực phẩm được đóng góp tại bếp ăn. Mỗi tuần, chúng tôi cố gắng thay đổi món xoay đều trong 5 ngày từ thứ hai đến thứ sáu. Còn thứ bảy và chủ nhật nghỉ nấu để các chị, em nghỉ ngơi. Bởi đa số những người tình nguyện nơi đây thức vào buối tối, ban ngày phải làm việc khác”.
11 giờ đêm là ai cũng phải nghỉ ngơi, vậy mà tổ tình nguyện nơi đây phải thức chuẩn bị nấu nướng. Việc nấu thường kết thúc lúc 2 giờ sáng, sau đó là chia thức ăn vào túi ny-lon thành 180 suất, có khi gần 200 suất. Đến 3 giờ sáng có người đến nhận suất ăn. Đó là những công nhân lao động bắt đầu vào ca làm việc, thợ hồ, người lao động nhận việc xa phải đi từ rất sớm. Đến 6 giờ sáng là những người bán vé số sẽ ghé ngang qua. Tầm 60-70 suất còn lại sẽ được những người chuẩn bị đi làm mang đến cho người già cả, đau bệnh không thể đến trực tiếp bếp ăn để nhận.
Chị Lê Thị Xuân Hiền (cộng tác viên Trạm Y tế xã Mỹ Khánh), một “shipper” tận tụy với công việc giao thức ăn sáng nhiều năm nay chia sẻ: “Có đến tận từng ngôi nhà, hiểu được hoàn cảnh khó khăn của những mảnh đời bất hạnh mới thấy việc làm mình tuy nhỏ nhưng ý nghĩa biết bao. Hàng ngày, các cụ đều trông ngóng mình đến để có chút gì đó lót dạ. Bởi họ đa số là những người già cả, neo đơn, không có cháu con chăm sóc. Nếu có thì thuộc hoàn cảnh rất khó khăn, cơm cháo bữa có bữa không. Khi Bếp ăn từ thiện nghỉ vài ngày dịp Tết đến khi hoạt động lại, tôi đến nhà tặng thức ăn sáng thì hay có cụ vừa qua đời vì thiếu người chăm sóc. Lòng tôi cảm thấy nhói đau, day dứt vì đã không quan tâm cụ trong những ngày Tết. Từ đó, tôi luôn nhủ mình cần làm tốt hơn công việc thiện nguyện của mình, ngoài tặng thức ăn sáng cần phải chăm lo các cụ nhiều hơn như chính ông bà, cha mẹ mình”.
Cô Hạnh tặng suất cháo cho bác bán vé số.
Từ những tâm sự của tình nguyện viên nên cô Mỹ Hạnh cảm nhận dù tình hình hoạt động của bếp ăn có khó khăn như thế nào cũng phải cố gắng vượt qua. Cô Mỹ Hạnh chia sẻ: “Để chuẩn bị cho một bữa ăn sáng như vậy, nấu nướng tiết kiệm lắm cũng phải tốn từ 500.000 - 600.000 đồng. Trong khi mức đóng góp của các nhà hảo tâm khiêm tốn, vì đời sống của người dân xã Mỹ Khánh còn nhiều khó khăn. Thỉnh thoảng có nhà hảo tâm ở phường trung tâm giúp đỡ thì bữa ăn được cải thiện.
Nếu như trước đây, lúc mới thành lập bếp ăn còn phục vụ tại chỗ cho học sinh nghèo, người lao động nghèo thì giờ ưu tiên mang đến cho người già, người bệnh. Tấm lòng, tâm huyết giúp đỡ tất cả người nghèo khó là điều chúng tôi luôn có sẵn, chỉ mong những nhà hảo tâm cùng tâm nguyện vì cộng đồng đóng góp, sẻ chia để chúng tôi duy trì mô hình và mở rộng đối tượng phục vụ cả hình thức tại chỗ cũng như mang đến tận nhà như hiện nay”.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG