Hành trình công nghệ số Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới

31/08/2024 - 14:57

Các doanh nghiệp TT&TT đang từng bước hiện thực hóa khát vọng tự chủ công nghệ và vươn ra thế giới. Doanh thu quốc tế năm 2024 của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD; Việt Nam cũng là 1 trong 5 nước sản xuất được thiết bị 5G.

Tiếp nối truyền thống đi đầu của ngành

Phát triển trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức và thiết bị trạm gốc 5G “Made in Viet Nam” là 2 thành tựu mới vừa được Bộ TT&TT báo cáo, demo với các cán bộ hưu trí ngành TT&TT qua các thời kỳ, tại cuộc gặp đại diện cán bộ hưu trí khu vực phía Bắc mới đây.

Với cách làm kết hợp hài hòa giữa xu thế thời đại với thực tiễn và văn hóa Việt Nam đã được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng định hướng, Bộ TT&TT đang triển khai thử nghiệm trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức hỏi đáp theo các lĩnh vực chuyên ngành đến 34 cơ quan, đơn vị trong Bộ.

Trợ lý ảo của Bộ TT&TT là sự kết hợp giữa hệ tri thức do con người xây dựng và mô hình ngôn ngữ lớn của trí tuệ nhân tạo. Với trợ lý ảo, công việc của cán bộ, công nhân viên trong Bộ TT&TT sẽ nhẹ đi; và từ thử nghiệm thành công trợ lý ảo của Bộ TT&TT, tiến tới làm trợ lý ảo cho từng cá nhân.

W-tram 5G Viettel 3 1.jpg

Thiết bị 5G do người Việt Nam sản xuất đã được Bộ TT&TT kiểm định và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh: Lê Mai

Là một trong những sản phẩm công nghệ số tiêu biểu, thiết bị trạm gốc 5G được Viettel sản xuất, phát triển trên tiêu chuẩn mở Open Ran, cũng là một minh chứng cho năng lực tự chủ công nghệ của Việt Nam.

Hiện tại, trạm gốc 5G do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã được lắp đặt ở Hà Nội, Hà Nam, Ninh Thuận và dự kiến mở rộng ra TPHCM, Đà Nẵng vào cuối năm nay.

Viettel cũng đã ký hợp đồng bán thiết bị này sang Ấn Độ. Với thành tựu mới này, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất được thiết bị 5G, sau Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Hai thành tựu mới kể trên cùng nhiều kết quả quan trọng khác mà Bộ, ngành TT&TT đạt được trong thời chuyển đổi số đã cho thấy thế hệ hiện tại đang tiếp nối xứng đáng truyền thống của 2 chữ "Dũng cảm" và "Sáng tạo" nằm trong 10 chữ vàng “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” của ngành, là nỗ lực phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, luôn tiên phong, đi thẳng vào những công nghệ mới của thời đại mình sống.

Cách đây gần 40 năm, giữa lúc ngành phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguyên Tổng Cục trưởng Đặng Văn Thân cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục Bưu điện khi đó đã có những quyết sách táo bạo, đó là bỏ qua công nghệ trung gian để đi thẳng vào công nghệ số; xin tự chủ về tài chính, tự vay tự trả, xin cơ chế được sử dụng ngoại tệ để tái đầu tư, không xin ngân sách nhà nước.

Nhờ vậy, từ chỗ là ngành lạc hậu, Bưu điện đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước; người Bưu điện đã sống được bằng nghề Bưu điện và hơn thế ngành đã có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. 

ong dang van than 1 572.jpg

Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân tại sự kiện khánh thành Trung tâm viễn thông ở Điện Biên Phủ năm 1994 (Ảnh nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đặng Đình Lâm cung cấp).

Nhận định thế hệ hiện tại đang kế tục xứng đáng truyền thống của ngành, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá đã bày tỏ sự yên tâm, tin tưởng về sự phát triển của ngành, khi được thấy những bước tiến, thành tựu mới mà đội ngũ lãnh đạo, công nhân viên của Bộ, ngành TT&TT hiện nay đạt được.

Những bước phát triển mới

Tại cuộc gặp mặt đại diện cán bộ hưu trí ngành TT&TT khu vực phía Bắc, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá cũng đã kể lại lời nhắc ngành còn dùng nhiều thiết bị nước ngoài của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười khi đến thăm và làm việc với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam năm 1991.

“Chúng ta rất mừng là điều nhiều thế hệ lãnh đạo đất nước và ngành trăn trở - sự tự chủ về công nghệ, đang được thế hệ hiện nay thực hiện, xây dựng nền công nghiệp công nghệ số Việt Nam”, ông Đỗ Trung Tá chia sẻ.

Với tâm niệm rằng cách tri ân tốt nhất với thế thế hệ đi trước là làm cho Bộ, ngành phát triển, góp phần làm rạng danh đất nước, thời gian qua, lãnh đạo Bộ TT&TT đã định hướng, dẫn dắt để thúc đẩy phát triển tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành.

3d mapping 13 1434.jpg

10 chữ vàng truyền thống ngành luôn được thế hệ hiện tại kế thừa, phát huy và coi như điểm tựa để mở ra tương lai phát triển mới cho TT&TT nước nhà. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Xuyên suốt trong chương trình chuyển đổi số quốc gia cùng các chiến lược chuyên sâu của ngành như chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, an toàn an ninh mạng, bưu chính, chuyển đổi số báo chí…, sự tự chủ công nghệ, vai trò của các sản phẩm, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã luôn được nhấn mạnh.

Đơn cử, mục tiêu kép mà chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Cùng với việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, Bộ TT&TT còn định kỳ tổ chức diễn đàn Make in Viet Nam để thổi lên khát vọng, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số nước nhà phát triển các sản phẩm, giải pháp để giải các bài toán Việt Nam cũng như vươn ra chinh phục thế giới.

Đặc biệt, Bộ TT&TT cũng đã công bố bản đồ công nghệ số trong các lĩnh vực của ngành để làm công cụ hỗ trợ quản lý, dự báo, dẫn dắt, cùng quyết định lựa chọn chấp nhận ứng dụng, đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ; và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, với mục tiêu mở rộng không gian phát triển, tham gia đóng góp tri thức cho thế giới.

tham FPT Japan 0.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gặp mặt, động viên khích lệ nhân viên FPT Nhật Bản trong chuyến công tác hồi tháng 7/2024. Ảnh: FPT

Từ hàng loạt hoạt động thúc đẩy, đến nay sản phẩm công nghệ số Việt Nam không chỉ tham gia mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, mà còn ghi dấu tại nhiều thị trường quốc tế.

Theo thống kê, tính hết tháng 7/2024, tổng số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động ước tính khoảng 51.038, tăng gần 6.000 doanh nghiệp so với tháng 8/2023. Đặc biệt, hiện đã có 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài.

Doanh thu từ thị trường nước ngoài trong năm 2023 là 7,5 tỷ USD, và dự kiến con số này năm nay xấp xỉ 10 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 30%.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, số tiền 10 tỷ USD các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mang về từ nước ngoài lớn hơn nhiều lần so với số tiền các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam bỏ ra để mua thiết bị viễn thông.

“Trước đây, là tây vào ta, nay là ta ra tây, đọ sức với tây và mang tiền về xây dựng đất nước. Mục tiêu của Bộ TT&TT là doanh thu quốc tế của các doanh nghiệp ngành TT&TT đến năm 2035 phải vượt xuất khẩu nông sản. Khi đó, Việt Nam mới có thể gọi là nước công nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

thi truong toan cau 1.jpg

Tính đến nay, đã có 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Ảnh: N.P

Khát vọng tự chủ công nghệ, dựng nên nền công nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn đang được thế hệ hiện tại của ngành TT&TT từng bước hiện thực hóa.

Nhận vai trò dẫn dắt, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, Bộ TT&TT đã thành lập Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông.

Bộ TT&TT cũng đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu biểu là xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục đích định hướng để tạo ra sự phát triển của ngành công nghiệp nền tảng này, từ đó góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển trong tương lai không xa.

Theo VietNamNet