Hành trình thiện nguyện của những “Kỹ sư cầu đường chân đất”

09/03/2023 - 13:53

 - Hơn 6 năm qua, Đội vá đường thiện nguyện huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã đóng góp nhiều công sức, tiền của nâng cấp các tuyến đường; vá lại các “ổ gà”, “ổ voi”, giúp người dân đi lại an toàn.

Họ là những đảng viên, lão nông đang ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” vẫn “máu lửa” xông xáo trộn xi măng, khuân vác..., rồi lấp đá, vá lại những đoạn đường hư hỏng, rải nhựa những tuyến đường đất gồ ghề, trơn trợt. Hễ thấy con đường nào loang lổ là đội tự nguyện đến làm, góp sức hoàn thiện hệ thống giao thông thành những cung đường nhựa phẳng phiu...

Học Bác bằng những việc làm thiết thực

Đội vá đường từ thiện do ông Tạ Ngọc Cường, là y sĩ, 59 tuổi, ngụ xã Long Giang thành lập từ năm 2016. Ông Cường chia sẻ: “Hơn 30 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chợ Mới, tôi và các đồng nghiệp cấp cứu nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Trăn trở cứ thôi thúc tôi phải làm việc gì hỗ trợ xã hội. Thế là tôi có ý tưởng và vận động lập Đội vá đường”.

Ban đầu, 6 thành viên là cán bộ, công chức, bác sĩ, giáo viên... Họ vốn không có chuyên môn làm đường, nhưng với tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ đảng viên, thấm nhuần tư tưởng làm theo Bác bằng việc làm thiết thực nhất nên họ xung phong tham gia. Hiện, đội có hơn 80 thành viên, tuổi từ 50 đến hơn 73, đủ thành phần: Lão nông, y bác sĩ, giáo viên, người làm thuê… Đằng sau những cung đường phẳng là những tấm lòng thiện nguyện vô tư. “Còn sức là còn làm, cống hiến vì sự bình yên trên những cung đường”- nhiều nông dân nói.

Đằng sau những cung đường phẳng là những tấm lòng thiện nguyện vô tư

Ông Cường kể: “Mới thành lập, thiếu tiền, thiếu kiến thức, đội chỉ có thể dặm vá các “ổ gà”, “ổ voi”. Việc làm ý nghĩa thiện nguyện của đội đã tác động tích cực đến xã hội, ngày càng nhiều người gia nhập. Vừa làm vừa học kinh nghiệm đã giúp đội thành thục việc nấu nhựa vá đường tại chỗ. Từ lấp vá đường, đã tiến tới nâng cao mặt đường, rồi trải nhựa đường, mặt cầu... Từ trang thiết bị thô sơ, nay đội có xe lu, xe bán tải, 4 lò nung nhựa đường... Tất cả chi phí từ tiền túi của đội trưởng và các thành viên đóng góp với tấm lòng “của dân, vì dân”.

Trên tinh thần không vận động, mỗi chuyến vá đường, anh em trong đội lại đóng góp. Đi tới đâu, chính quyền địa phương, người dân ủng hộ tới đó. Nguồn quỹ do Đội trưởng Cường quản lý, công khai tài chính hàng quý. Còn thiếu, ông Cường bỏ tiền túi vào cho đủ.

Đội trưởng Cường thuần thục rải nhựa đường

Từ năm 2022 đến nay, Đội vá đường thiện nguyện đã làm 4 đoạn đường lớn ở: xã Kiến An dài 900m, rộng 6m, kinh phí 600 triệu đồng; xã Mỹ Hội Đông dài 1.500m, kinh phí 550 triệu đồng; đường vào phủ thờ Kiến An dài 1.200m, kinh phí hơn 730 triệu đồng...

 “Công trình đang làm này ở ngã 3 xã Kiến An dài 1.200m kinh phí 600 triệu đồng, người dân góp hơn 300 triệu đồng, số tiền còn thiếu thì mình đắp vô thêm”- ông Cường tình thiệt chia sẻ.

Tâm tình đằng sau những cung đường phẳng

Cứ thế, lặng lẽ hơn 6 năm qua, những “kỹ sư cầu đường chân đất” đã làm mới và dặm vá hơn 20 km đường nông thôn, giúp bà con lưu thông an toàn. Sau giờ ra ca trực, y sĩ Cường chạy đi các tuyến đường. Xác định được chỗ bị hư hỏng là ông xin ý kiến địa phương, lên kế hoạch và thông báo vào nhóm zalo để các thành viên tự sắp xếp, tham gia.

Có mặt tại công trình làm đường sẽ thấy không khí tất bật, tinh thần làm việc hăng say của các cụ ông, cụ bà, nhưng cường độ làm việc không thua gì thanh niên trai tráng. Từ 4 giờ sáng, đội vá đường thiện nguyện đã nấu nhựa, đến 8 giờ tập trung làm đường...

Khi vào việc, Đội trưởng phân chia từng khâu hợp lý, phù hợp tùy độ tuổi và sức khỏe: Người lái xe, người khuân vác đá, trộn xi măng, nấu nhựa, tưới nhựa…, nên việc vá đường nhịp nhàng, hoàn thành nhanh; xe cộ có thể qua lại, không cản trở giao thông.

 Ông Cường cho biết: “Đội dặm vá đường tăng tần suất làm việc từ 4 lên 8 lần/tháng; tốn từ 10-15 triệu đồng/chuyến, do anh em trong đội và người dân đóng góp; các thành viên không nhận thù lao, không tính ngày công. Nhiều người còn bỏ tiền túi mua vật liệu, bánh mì..., nhưng ai cũng vui vì mang lại an toàn cho người dân lưu thông và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Chợ Mới là huyện đông dân nhất tỉnh (hơn 347 ngàn). Người đông tạo áp lực lớn lên hệ thống giao thông. Mặc dù ngành Giao thông, chính quyền quan tâm, song kinh phí có hạn, vì thế xã hội hóa hết sức ý nghĩa. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Chợ Mới Nguyễn Nhị Hoàng Anh kể: “Từ những chuyến xe chuyển viện miễn phí, khi gặp “ổ gà”, “ổ voi” bệnh nhân đau đớn hơn nên khi nghe ý tưởng của anh Cường, tôi ủng hộ ngay. Là cán bộ, đảng viên thì việc gì có lợi cho dân là mình làm”.

Ông Huỳnh Trung Quốc (59 tuổi, Trưởng ấp Kiến Thuận 1, xã Kiến Thành) chia sẻ: “Là đảng viên, Trưởng ấp phải đi đầu, tiên phong trong các phong trào. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, thấy làm việc gì thiết thực cho dân là làm”.

Chú Nguyễn Dũng Em (59 tuổi) nói: “Thấy Đội làm đường có nhiều hoạt động ý nghĩa nên tham gia hơn 5 năm tự nguyện xúc đá, nấu nhựa... Hễ thấy zalo thông báo là đi”.

Sống vui, sống khỏe, có ích

Góp phần nhỏ bé vì sự bình yên trên những cung đường có cụ Nguyễn Hữu Hùng (72 tuổi) cho biết: “Dù lớn tuổi, nhưng thấy việc ích lợi cho xã hội, nên nghe có đội làm đường từ thiện tôi “đăng ký” ngay. Việc thiện nguyện không phân biệt lứa tuổi, miễn sao còn sức khỏe, còn hơi thở thì cống hiến”.

Ngoài những đảng viên đi trước, như: Hoàng Anh, ông Quốc..., còn nhiều đảng viên là giáo viên,.như thầy Võ Hồng Phước, Trường THCS Võ Ánh Đăng và học sinh noi gương cha chú làm từ thiện.

“Đồng vợ đồng chồng” có chú Ngô Văn Thông (61 tuổi) chuyên nấu nhựa. Chú chia sẻ: “Nhà có 70 công đất giao lại cho con trồng lúa, 2 vợ chồng đi làm từ thiện và góp tiền làm đường”.

Lắm lúc có lời ra tiếng vào cho rằng đội vá đường thiện nguyện làm chuyện không công, làm đường không đạt chất lượng thi công. Thậm chí, còn có lời: Chuyện nhà nước, mấy ông lo bao đồng... các thành viên vẫn vui vẻ trả lời: “Nhà nước cũng lo nhưng lo việc lớn và ngân sách có hạn. Là người dân, mình cũng phải có trách nhiệm, làm được việc gì có ích cho xã hội thì làm”. “Tui làm chuyện xã hội thấy vui, hạnh phúc, vá đường lành lặn cho làng xóm, con cháu mình đi an toàn”- ông Thông cười nhân hậu.

Trong đội có hơn 20 phụ nữ, dù ở tuổi 60-68 nhưng rất nhanh nhẹn. Như bà Huỳnh Thị Phượng (63 tuổi) vẫn nhiệt tình: “Tôi còn khỏe lắm, đi xúc, vác đá, việc gì cũng làm được”.

Lan tỏa tinh thần thiện nguyện

Tiếng lành đồn xa. Hơn 20 người ở tỉnh Đồng Tháp cũng gia nhập. 74 tuổi nhưng bà Văng Thị Phấn (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) vẫn cứng cỏi đứng trên xe tải xúc đá. Bà Phấn cười: “Thấy đội này ý nghĩa quá, tôi tham gia hơn 4 năm rồi”.

Còn nhiều thành viên tích cực như ông Nguyễn Thanh Lộc, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống bằng nghề làm thuê nhưng rất nhiệt tình tham gia thiện nguyện; em Võ Đăng Kha (20 tuổi) bộc bạch: “Thay vì rảnh tụ tập đi chơi, thấy mấy chú, bác lớn tuổi vẫn đi làm đường, mình trẻ sao không theo. Thế là con theo mấy chú”.

Đội lấp vá đường từ thiện huyện Chợ Mới đã nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen, phát huy tinh thần: “Nhà nhà làm việc thiện, người người làm việc thiện”.

HẠNH CHÂU