Hấp dẫn môn đẩy gậy

30/05/2023 - 06:52

 - Vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống vào mỗi dịp lễ, Tết, theo thời gian, đẩy gậy ngày càng được phổ biến rộng rãi, được nhiều người yêu thích.

Theo các cao niên, từ xưa, đẩy gậy là trò chơi dân gian giữa thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong xóm, vào lễ hội, Tết để vui chơi, rèn luyện sức khỏe. Chỉ cần 1 cây gậy thẳng làm bằng tre già, hay thanh gỗ tốt là có thể chơi được. Sân thi đấu đơn giản là bãi đất trống bằng phẳng trước nhà, vẽ vòng tròn để 2 người thi đấu bên trong, người xem đứng bên ngoài cổ vũ. Hai người chơi cố dùng sức đẩy gậy về phía đối phương, làm họ té ngã, văng ra khỏi vòng tròn.

Ngày nay, đẩy gậy trở thành môn thể thao quần chúng, có mặt ở hầu hết hệ thống thi đấu thể thao từ tỉnh đến cơ sở, ngày hội, hội thao, Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) các cấp. Môn đẩy gậy được nâng tầm bằng hàng loạt quy định cụ thể.

Gậy đấu làm bằng tre già, dài 2m, được sơn màu đỏ và trắng mỗi bên để dễ phân biệt. Đầu và thân gậy phải được bào nhẵn, có đường kính bằng nhau. Sân thi đấu vẫn là ô tròn, đường kính 5m, có vạch giới hạn, có thể làm ngoài trời hoặc trong nhà, đủ độ sáng. Mặt sân có thể là sân đất hoặc xi-măng để không bị trơn trượt.

Đây vẫn là môn thể thao mang tính truyền thống, nên luật chơi khá đơn giản: Chỉ cần dùng sức đẩy đối phương ra khỏi vòng tròn là được. Mỗi trận đấu diễn ra 3 hiệp; mỗi hiệp kết thúc khi một bên bị đẩy ngã, bị đẩy 2 chân chạm vạch hay ra khỏi vòng tròn; thắng 2 hiệp coi như thắng. Tính chất thi đấu luôn là đối kháng, loại trực tiếp, đòi hỏi người chơi phải tập trung cao độ, bất cứ sơ xuất nhỏ nào cũng có thể dẫn đến thua cuộc.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (huyện An Phú) chia sẻ: “Trước đây, khi còn đi học, tôi thường chơi đẩy gậy với các bạn. Nhìn đơn giản, nhưng để chơi tốt, chơi giỏi thì cần rất nhiều yếu tố. Chúng giúp rèn luyện cả về thể chất lẫn tinh thần. Bây giờ, thấy các bạn trẻ chơi môn thể thao này nhiều, tôi cảm thấy rất vui, góp phần giữ gìn và phát triển thể thao truyền thống”.

Nói đến đẩy gậy, nhiều người nghĩ đơn giản: Chỉ cần có sức khỏe, người chơi sẽ đẩy được đối phương ra khỏi vòng tròn thi đấu, trở thành người chiến thắng. Nhưng trên thực tế, đẩy gậy là môn thể thao cần sức khỏe và sự khéo léo. Sức mạnh là yếu tố cơ bản quyết định thắng thua, nhưng bên cạnh đó, tâm lý, kỹ thuật, kinh nghiệm thi đấu, tính kiên trì, khả năng chịu đựng tốt, sự dẻo dai… cũng không thể thiếu. Khi thi đấu, người chơi phải cầm gậy đúng kỹ thuật, đứng đúng tư thế. Khi đẩy, phải biết chia sức, không nên dồn hết sức ngay từ đầu. Khi bắt đầu thi đấu, phải thử sức đối phương, lúc đối phương có biểu hiện xuống sức thì ngay lập tức tấn công áp đảo để giành chiến thắng.

Có những cuộc thi đấu đẩy gậy giữa người chơi ngang tài, ngang sức, giằng co không phân thắng bại kéo dài tới vài chục phút, tạo nên sự hấp dẫn, gay cấn và kịch tính, đem đến cho người xem trận đấu hay, đẹp mắt, ấn tượng khó quên. Khi vào trận gặp đối phương ngang sức, gương mặt người chơi căng đỏ, trán đổ mồ hôi, dồn toàn sức lực để ghì tay vào gậy. Nhưng cũng có trận, chỉ sau tiếng còi của trọng tài, người chơi nhanh chóng bị đẩy khỏi vòng tròn thi đấu.

Anh Nguyễn Văn Khánh (TX. Tịnh Biên) cho biết: “Đẩy gậy là môn thể thao rất hấp dẫn. Để chơi tốt môn này, đòi hỏi phải có kỹ thuật, chiến thuật, bản lĩnh và tâm lý thi đấu vững mới giành chiến thắng. Không phải có sức khỏe, thân hình cao to là thắng. Nhỏ con vẫn có thể thắng như thường. Ăn thua nhau là ở kỹ thuật, khéo léo và biết tận dụng thời cơ”.

Còn anh Lê Thiện Em (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Khi thấy nhiều người chơi đẩy gậy, tôi rất thích thú, từ đó tìm hiểu về môn thể thao này. Để chơi giỏi môn đẩy gậy cần rất nhiều thời gian, sức khỏe tốt, kỹ thuật, quyết tâm cao. Sau khi tập luyện và chơi tốt môn này, tôi sẽ mạnh dạn đăng ký tham gia giải đẩy gậy ở địa phương, đồng thời hướng dẫn người khác cùng chơi”.

Hiện nay, ngành TDTT tỉnh An Giang đã đưa đẩy gậy vào hệ thống môn thi đấu chuyên nghiệp, thu hút đông đảo nam nữ ở mọi lứa tuổi tham gia. Qua đó, tạo sân chơi bổ ích, thiết thực, giúp người yêu thích môn đẩy gậy được giao lưu, học hỏi, thể hiện đam mê và phát triển tiềm năng. Đồng thời, tiếp tục bảo tồn, phát huy môn thể thao truyền thống.

TRỌNG TÍN