Hình ảnh thác máu tại Nam Cực
Các nhà khoa học phát hiện phát chảy ra từ sông băng Taylor tại Nam Cực lần đầu tiên vào năm 1911. Sở dĩ có tên gọi như vậy là do thác có màu đỏ thẫm như màu máu, khác với màu trắng xung quanh vùng Nam Cực.
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng do một loại tảo làm mất nước gây nên hiện tượng lạ, tuy nhiên nghiên cứu mới đã xác định nguồn gốc thực sự của con thác này.
Màu đỏ nổi bật giữa lớp băng dày trắng toát
Nhóm nghiên cứu của đại học Alaska Fairbanks cho biết màu đỏ đậm của thác là do dòng nước tại đó bị nhiễm sắt, sắt bị oxy hóa trong nước muối mặn. Quá trình tương tự làm cho sắt có màu đỏ sẫm khi bị gỉ.
Các nguồn nước mặn xuất phát từ một hồ nước bên dưới mặt băng khoảng 400 mét. Kích thước hồ chưa được xác định, chỉ biết nó cách điểm thoát ra tại Thác Máu vài km.
Vị trí Thác máu tại Victoria Land, đông Nam Cực.
Điểm thú vị là Thác Máu chứa một loạt các vi khuẩn có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt.
Cộng đồng vi sinh vật có thể giống với sự khởi đầu của sự sống trên Trái đất, trước khi có sự xuất hiện của oxy trong khí quyển.
Điều này cung cấp thêm manh mối cho các nhà nghiên cứu về sự sống có thể phát triển trên các hành tinh khác thiếu bầu khí quyển giàu oxy như Trái đất. Ngoài ra, nó cung cấp thêm bằng chứng về nhiều cách mà cuộc sống có thể thích nghi với môi trường khắc nghiệt.
Theo HOÀNG DUNG (Infonet)