Hãng tin VOX của Mỹ có một nguồn tin độc quyền hé lộ về kế hoạch mới của Mỹ mang đến bàn đàm phán lần này, với mong muốn chấm dứt thế bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Đề xuất này được cho là linh hoạt hơn so với điều kiện “được tất hay không có gì” mà Mỹ đưa ra gần đây.
Khả năng đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên giữa Mỹ - Triều sắp được nối lại. (Ảnh: AP).
Theo thông báo của Triều Tiên, Mỹ và Triều Tiên sẽ có các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày mai (4-10) và các cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào ngày tiếp theo. Hiện chưa rõ địa điểm diễn ra các cuộc đàm phán. Trước khi vòng đàm phán được nối lại, Triều Tiên đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cần có cách tiếp cận mới để chấm dứt thế bế tắc hiện nay.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song khẳng định: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn khẳng định lập trường rõ ràng rằng Mỹ cần gạt bỏ các phương pháp và tính toán hiện tại với Triều Tiên, đưa ra cách tiếp cận mới. Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi một quyết định khôn ngoan từ phía Mỹ. Khi Mỹ đã có đủ thời gian để tìm ra phương pháp mới, có thể chia sẻ với chung tôi. Triều Tiên luôn sẵn sàng ngồi xuống đối thoại toàn diện với Mỹ về các vấn đề chúng tôi quan tâm. Sẽ phụ thuộc vào Mỹ về việc liệu các cuộc đàm phán Mỹ- Triều sẽ mở ra cánh cửa cơ hội hay làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng”.
Theo một nguồn tin trên trang tin VOX thân cận với các cuộc đàm phán, nội dung đề xuất mới của Mỹ bao gồm: Liên Hợp Quốc sẽ đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với ngành xuất khẩu than và dệt may của Triều Tiên trong vòng 36 tháng. Để đổi lại, Triều Tiên sẽ đóng cửa cơ sở dạt nhân Yongbyan có xác minh cùng với các biện pháp khác, có khả năng là chấm dứt các hoạt động làm giàu urani của Triều Tiên.
Đánh giá về đề xuất này, các chuyên gia nhận định đây là một kế hoạch “ nguy hiểm” nhưng “hợp lý”. Hợp lý vì yêu cầu Triều Tiên dỡ bỏ các chương trình hạt nhân của mình trước khi nhận được các biện pháp nới lỏng trừng phạt là điều mà chính quyền Tổng thống Mỹ Trump luôn yêu cầu kể từ khi bắt đầu đối thoại. Ngoài ra, Yongbyan là “trái tim” của chương trình hạt nhân của Triều Tiên, việc đóng cửa cơ sở này sẽ làm suy yếu kho vũ khí của Triều Tiên.Tuy nhiên, đề xuất cũng chứa rủi ro vì có một giai đoạn chuyển tiếp 3 năm để Triều Tiên có thể tiếp tục cải thiện khả năng hạt nhân của mình. Các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, phải mất hơn 3 năm để tiêu hủy một cách có xác minh các cơ sở hạt nhân, tài liệu cũng như các nguyên liệu khác tại Yongbyan nếu các thanh sát viên quốc tế được phép tiếp cận.
Hiện chưa rõ liệu các nhà đàm phán Triều Tiên có chấp nhận đề xuất này hay không. Khi Tổng thống Trump có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội vào đầu năm nay, ông Kim Jong Un vẫn muốn gần như tất cả các biện pháp trừng phạt phải được dỡ bỏ, để đổi lại việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyan. Đề xuất này của Mỹ có vẻ như dỡ bỏ trừng phạt ít hơn những gì Nhà lãnh đạo Triều Tiên mong đợi.
Tuy vậy giới quan sát cho rằng, các nhà đàm phán Mỹ có thể sẽ sử dụng đề xuất như là điểm khởi đầu và phép thử phản ứng của đối tác. Tùy thuộc vào diễn biến các cuộc họp trù bị và tình hình, các nhà ngoại giao Mỹ vẫn có thể điều chỉnh đề xuất trước khi đặt nó lên bàn đàm phán vào cuối tuần này.
Hiện cũng có nhiều yếu tố làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán. Ngay trước vòng đối thoại, Triều Tiên hôm qua (2/10) tiến hành phóng một tên lửa từ tàu ngầm, có tầm bắn xa hơn bất cứ vụ phóng nào trong 2 năm qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang mất kiên nhẫn với Mỹ, mà theo một số nguồn tin là do Tổng thống Trump đã “bội tín” lời cam kết. Theo đó, Tổng thống Trump đã đưa ra 2 cam kết cụ thể tại cuộc gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên ở biên giới liên Triều vào tháng 6 /2019.
Thứ nhất, ông Trump cam kết sẽ ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên- đây là một cam kết được cho là không quá khó để thực hiện. Cam kết thứ hai quan trọng và gây ra sự bất mãn với Triều Tiên hơn đó việc Tổng thống Trump thông báo sẽ hủy cuộc diễn tập quân sự chung với Hàn Quốc đã lên kế hoạch. Tuy nhiên, cuộc tập trận Dong Maeng vẫn diễn ra vào tháng 8 sau đó. Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã từng tuyên bố việc Mỹ tập trận với Hàn Quốc vi phạm cam kết đưa ra ở cấp cao, có thể ám chỉ cam kết của Tổng thống Trump. Chính vì vậy, thông điệp của Triều Tiên đưa ra trước thềm đối thoại với vụ phóng gây lo ngại nhất trong 2 năm qua có thể là một phần trong thông điệp gửi tới Tổng thống Mỹ: “Hãy làm những điều ông cam kết, nếu không sẽ đối mặt với hậu quả”.
Theo PHẠM HÀ (VOV)