Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3 tại Đông Nam Á

30/10/2023 - 18:23

6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam vẫn đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị đầu tư đạt 413 triệu USD.

Hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo vẫn cháy âm ỉ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Quỹ Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 ngày 30/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo trên thế giới vẫn có những tín hiệu lạc quan.

Cụ thể, báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 đã chỉ ra rằng, trong năm qua tuy tốc độ và tổng giá trị giao dịch đầu tư mạo hiểm có sự suy giảm đáng kể, nhưng số lượng giao dịch lại tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Tổng chi tiêu cho R&D từ cả khu vực Chính phủ và khu vực tư nhân trên toàn cầu tiếp tục tăng lên theo giá trị thực và vẫn đạt mức cao trong lịch sử. Làn sóng đổi mới sáng tạo của thời đại chuyển đổi số và khoa học chuyên sâu đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển của các lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế, năng lượng.

"Những điều này cho thấy, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo như một "ngọn lửa đang âm ỉ cháy", chỉ cần môi trường và "chất xúc tác" thuận lợi là có thể bùng lên mạnh mẽ. Việt Nam đang kiến tạo môi trường và những yếu tố thuận lợi cho đổi mới sáng tạo nói chung và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nói riêng", Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.

Về mặt chính sách, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hướng đến trở thành một hệ sinh thái năng động trong khu vực.

Đảng và Nhà nước đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 với động lực chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chủ trương về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Trong đó, tập trung vào 3 đột phá chiến lược: Hệ thống thể chế; nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông (Ảnh: Lê Sơn).

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực về kinh tế. Tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới tăng 43,6%. FDI thực hiện đạt hơn 15,9 tỷ USD, tăng 2,2%.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tháng 9 đạt gần 18.500 doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực. Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu 2023 và là một trong ba quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo cũng như số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam vẫn đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị đầu tư đạt 413 triệu USD.

Theo báo cáo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, 5 lĩnh vực chính được dự đoán sẽ chi phối nền tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai bao gồm: Công nghệ y tế, công nghệ tài chính, công nghệ hỗ trợ hậu cần, nền kinh tế xanh và công nghệ giáo dục.

Chi tiêu chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua. Giá trị giao dịch trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kép 15% trong 4 năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của 70% người dân Việt Nam hiện vẫn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ hỗ trợ hậu cần, các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ cũng đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, đối với kinh tế xanh, Việt Nam đang dẫn đầu trong nỗ lực phát triển năng lượng sạch ở Đông Nam Á với các đổi mới về năng lượng gió và mặt trời. Cuối cùng, lĩnh vực công nghệ giáo dục được đánh giá có đà tăng trưởng tự nhiên, ngày càng thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Trong diễn đàn năm nay, 5 lĩnh vực này sẽ cùng nhau tạo nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phù hợp với tham vọng trở thành quốc gia phát triển vào năm 2050, cũng như nhu cầu đổi mới toàn cầu.

Theo Dân Trí