Nhóm bạn trẻ bị dương tính với ma túy đá ngày 16-9
Đ. (30 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) cùng nhiều người bạn tham gia một tiệc sinh nhật. Khoảng 1 giờ sáng 16-9, sau khi ăn uống, nhậu nhẹt, cả nhóm tiếp tục ghé vào quán karaoke S. (phường Đông Xuyên). Chưa kịp hát hò, lực lượng chức năng đến kiểm tra hành chính tại quán. Nhóm của Đ. được mời về trụ sở Công an phường Đông Xuyên để xác minh, làm rõ vụ việc. Kết quả, 19 người dương tính với ma túy đá sau khi được test, trong đó có Đ. Đáng lo ngại hơn, đa số nằm trong lứa tuổi 9X. “Cả nhóm rất kinh hoàng, vì chúng tôi chưa bao giờ sử dụng ma túy đá. Sau đó, tôi mới nhớ lại, từ tối hôm trước, cả nhóm sử dụng 2 bình shisha tại 2 quán ăn khác nhau (hơn 200.000 đồng/bình), uống rượu, bia rồi kéo nhau đi hát karaoke. Trước đây, thỉnh thoảng nhóm vẫn vui chơi như vậy vào các dịp sinh nhật, tiệc tùng, chứ không phải ngày nào cũng sử dụng shisha. Xui xẻo là, cả nhóm 10 người ăn uống như nhau, không hiểu sao có 6 người dương tính với ma túy đá”- Đ. lo lắng.
Năn nỉ, giải thích không được, nên tất cả đành chấp nhận bị đưa vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh (xã Lương An Trà, Tri Tôn) để cắt cơn nghiện trong 30 ngày. Không chỉ nhóm của Đ., nhiều trường hợp khác cũng “gặp nạn” vì shisha. Có người hiện đang là học sinh, sinh viên, hoặc có nghề nghiệp ổn định, trình độ học vấn cao, chưa từng liên quan đến chất gây nghiện. Tuy nhiên, chỉ vì “lỡ” hút shisha khi cao hứng, kết quả lại cho thấy dương tính với ma túy đá. Mọi công việc lao động, học hành... đều bị gián đoạn khi họ phải thực hiện chuỗi ngày cai nghiện bắt buộc. Chưa kể, lý lịch bản thân có thêm một “vết đen”, chịu sự trách móc, dèm pha của người xung quanh.
Theo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe An Giang, shisha là tên gọi của một loại thuốc hút có xuất xứ từ Ả Rập hơn 400 năm trước, còn có tên gọi là thuốc lào Ả Rập. Thực chất, chúng là một loại cỏ, được tẩm thêm mật ong, hương liệu trái cây như: nho, cam, táo, dâu... Ở Việt Nam, shisha được dùng như một loại thuốc lào, thuốc lá nhưng gây cảm giác khoan khoái hơn. Shisha được hút thông qua chiếc bình lọc giống như điếu bình. Đây là loại thuốc lá không nằm trong danh mục cấm. Trước đây, shisha chỉ có trong các vũ trường, quán bar. Hiện nay, chúng được phổ biến tại nhiều quán cà phê, giải khát. Điều đặc biệt nguy hại là hút shisha đã xâm nhập vào giới học sinh trung học, sinh viên.
Tác hại của shisha cũng giống như thuốc lá, shisha điện tử và thuốc lào. Chúng tác động trực tiếp vào đường hô hấp. Nếu hút trong vòng 1 giờ, lượng khói hút vào cơ thể sẽ cao hơn 150 lần lượng Nicotin, cao hơn 70% so với hút thuốc lá. Người hút shisha còn có nguy cơ hít độc chất từ hắc ín, gồm: Monoxide carbon, các kim loại nặng và chất gây ung thư gấp 100 lần so với hút thuốc lá. Mặt khác, nếu chỉ hút shisha thì tác hại sẽ không quá lớn. Nhưng thông thường, đã là “dân chơi”, họ thường bỏ thêm vào mỗi bình hút các chất khác, như: Heroin, rượu. Chính những chất này cộng với shisha mới gây ra những tác hại khôn lường. Đến nay, ngành y tế vẫn chưa xác định nên cho shisha vào nhóm ma túy tổng hợp, hay chỉ là những chất gây kích thích. Chính vì vậy, shisha chưa được quản lý chặt chẽ, người sử dụng shisha dùng lý do này để “biện minh” rằng bản thân không vi phạm pháp luật, chỉ hút cho vui.
Ông Đỗ Minh Thọ, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe An Giang, khuyến cáo: “Giới trẻ không nên dùng shisha, dù chỉ 1 lần. Nếu lạm dụng, bạn sẽ nghiện lúc nào không hay. Phải nhớ kỹ rằng, shisha có tác hại không kém thuốc lá, cũng gây ung thư. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, tỷ lệ các bệnh răng miệng, ung thư phổi ở những người sử dụng shisha thường sẽ gấp 5 lần so với những người không sử dụng. Điều đáng báo động là giới trẻ đang lợi dụng việc hút shisha để sử dụng trá hình các chất ma túy, chất gây nghiện bất hợp pháp (hàng đá, cần sa, tài mà…) bằng cách sử dụng trong bình shisha. Lực lượng chức năng ở Việt Nam đã phát hiện các trường hợp núp dưới danh nghĩa hút shisha để sử dụng ma túy đá”.
Từ “bài học kinh nghiệm” của nhóm bạn Đ. và các khuyến cáo của ngành chức năng, hy vọng sẽ trở thành lời cảnh tỉnh cho mọi người. Đừng vì theo trào lưu, tìm cảm giác lạ, thể hiện bản thân, bị bạn bè xúi giục, rủ rê... mà dính líu đến shisha. Chúng chẳng mang đến ích lợi gì cho bản thân, ngược lại chỉ khiến con người mắc bệnh tật, sa ngã và “xấu xí” hơn trong nhìn nhận của xã hội thôi.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG