Hiểu đúng về ngân sách Trung ương

24/09/2021 - 17:10

Khi phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu nói ngân sách Trung ương “trống rỗng”, “không còn một đồng” thì rõ ràng là luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật.

Ngày 16-9-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về việc ban hành chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh khó khăn do đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo rằng, hiện nay ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ đồng) đã chi hết. Trong khi đó, nhu cầu chi cho công tác phòng, chống dịch đối với các lực lượng: công an, quân đội và các địa phương là rất lớn. Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỷ đồng điều chỉnh vào dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Từ phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, xuất hiện thông tin rằng, ngân sách rất khó khăn, ngân sách Trung ương gần như không còn, hiện chỉ chờ vào nguồn tiết kiệm chi và khoảng 14.620 tỷ đồng đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán thì mới chi được. Nội dung thông tin này khiến độc giả hiểu sai tình hình ngân sách nhà nước. Trên các diễn đàn mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, YouTube; trên một số website, trang tin có nguồn gốc nước ngoài, nhiều ý kiến bàn luận rằng: nhà nước chi ngân sách chống dịch vô tội vạ, xét nghiệm tràn lan, không đúng trọng tâm, trọng điểm khiến ngân sách bị bội chi, ngân sách Trung ương “gần như trống rỗng”, “không còn một đồng”. Có nhiều ý kiến còn suy luận sắp tới, “nhà nước sẽ không còn tiền chi lương cho cán bộ, công chức, viên chức”, “lực lượng công an, quân đội, y tế, tình nguyện viên tham gia chống dịch không có tiền hỗ trợ”, “người nghèo sẽ đói khổ vì không có ngân sách hỗ trợ”… Một số tổ chức phản động, những kẻ cơ hội chính trị còn “vẽ” ra viễn cảnh đen tối của đất nước khi kinh tế kiệt quệ, DN đóng cửa, nhân dân lầm than vì chống dịch không hiệu quả, ngân sách trống rỗng.

Doanh nghiệp vẫn kinh doanh và đóng thuế vào ngân sách. Ảnh: THANH HÙNG

Tuy nhiên, sự thật không phải vậy. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thông tin “ngân sách hết tiền” hay “ngân sách trống rỗng” mà dư luận đang đề cập là ngân sách dự phòng, chứ không phải ngân sách Trung ương. “Thực ra nhiều người đã hiểu sai, tưởng rằng ngân sách trống rỗng nhưng thực tế thu ngân sách vẫn đạt 77% dự toán và vượt so với dự toán ngân sách Quốc hội giao. Như vậy, ngân sách làm sao trống rỗng được, ngân sách Trung ương trống rỗng, lấy đâu mà trả lương” - ông Phớc nói.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước tháng 8-2021 ước đạt 78.600 tỷ đồng. Lũy kế thu ngân sách nhà nước 8 tháng của năm 2021 ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, ngân sách Trung ương ước đạt 71,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 78,9% dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Ngân sách quy định khoản ngân sách dự phòng chiếm từ 2-4% tổng chi ngân sách để sử dụng cho việc phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn và những vấn đề phát sinh bất khả kháng xảy ra. Năm 2021, dự phòng ngân sách được Quốc hội giao là 17.500 tỷ đồng. Do sử dụng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên khoản dự phòng này đã hết. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã tiết kiệm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các nhiệm vụ cần thiết. Đến nay, đã tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên được khoảng 14.620 tỷ đồng. Do đó, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển khoản tiết kiệm này để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021, cấp cho các bộ, cơ quan, địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch hiệu quả nhất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, ngân sách nhà nước không bao giờ cạn kiệt. Thu ngân sách năm 2021 được Quốc hội phê chuẩn là 1.343.000 tỷ đồng, đến nay đã thu đạt 77% dự toán và ngành tài chính phấn đấu đạt 100%, đồng thời vẫn hỗ trợ người dân và DN gặp khó khăn do đại dịch. Đến nay, ngân sách đã chi 21.400 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 được thành lập, vận động được gần 8.700 tỷ đồng. Chính phủ đã thực hiện chính sách miễn, giảm thuế cho DN, các gói hỗ trợ người dân, DN với tổng kinh phí khoảng 250.000 tỷ đồng.

Rất rõ ràng, nguồn ngân sách mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói đã chi hết là 17.500 tỷ đồng thuộc dự phòng ngân sách được giao năm 2021, còn nguồn đề nghị bổ sung vào ngân sách dự phòng là nguồn chi thường xuyên được tiết kiệm (khoảng 14.620 tỷ đồng). Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước đến nay vẫn đạt tiến độ và cao hơn cùng kỳ năm 2020. Do vậy, không có chuyện ngân sách cạn kiệt hay trống rỗng. Tuy nhiên, nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội, tổ chức phản động vẫn “đánh lận con đen”, cố tình nhập nhằng giữa “ngân sách dự phòng” và “ngân sách Trung ương” để hướng dư luận hiểu tiêu cực về công tác phòng, chống dịch bệnh, gây tâm lý bi quan, lo lắng về bức tranh kinh tế kiệt quệ và gây mất niềm tin, động lực phấn đấu trong nhân dân.

Đây là mưu đồ rất nham hiểm, mọi người cần tỉnh táo phân biệt đúng sai, tránh đánh mất niềm tin, tiếp tay lan truyền, chia sẻ những phân tích, đánh giá bóp méo sự thật.

NGÔ HOÀNG