Hiểu đúng về quan niệm kỹ năng trọng hơn bằng cấp

26/04/2023 - 08:13

 - Thị trường lao động là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, không chỉ đối với sinh viên sắp ra trường mà cả học sinh phổ thông đang học cuối cấp. Công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, thông tin thị trường đã được các ngành, trường học đẩy mạnh. Tuy nhiên, các bạn trẻ còn chịu tác động khá lớn từ mạng xã hội, khi xem những người có sức ảnh hưởng là minh chứng sống về lý tưởng nghề nghiệp, việc làm. Cũng từ đây, quan niệm làm vì tiền, làm vì đam mê hay sự quan trọng của bằng cấp… trở thành những mối băn khoăn.

Không chỉ định hướng nghề nghiệp, học sinh cần được hỗ trợ để có lập trường đủ tự tin, chọn tương lai gắn với kết quả học tập đúng đắn

“Em thấy hiện nay, nhiều người đang đi làm từ bỏ công việc của họ để khởi nghiệp bằng các nghề “hot” bên ngoài. Thậm chí có nhiều bài báo đưa tin về các anh chị đã từng nỗ lực vượt khó để vào đại học, cuối cùng lại bán bún riêu, trà sữa, nước trái cây. “Trào lưu” nghỉ việc văn phòng và mở quán vỉa hè có thu nhập cao gấp nhiều lần hoặc những câu chuyện từ bỏ công ty mức lương cao để chạy theo đam mê, sống tự do… Với những gì được nghe và thấy, em không khỏi trăn trở rằng liệu bằng cấp có còn quan trọng không. Vì thực tế học đúng nghề, chọn đúng hướng đi, nhưng bước vào xã hội thì những câu chuyện “nghề chọn người” lại quá nhiều” - em Ngọc Minh (học sinh lớp 11 ở TX. Tân Châu) trải lòng tại một buổi tư vấn tuyển sinh.

Không riêng Ngọc Minh, nhiều học sinh tỏ ra tâm tư khi được thông tin công thức mới của thị trường lao động là kỹ năng được coi trọng hơn bằng cấp. Cả nước hiện có hơn 65 triệu người trong độ tuổi lao động. Ngoài lao động trong nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp thì có khoảng 30% ở khu vực phi chính thức. Đây là khu vực thu nhập thấp, năng suất không cao, không được bảo hiểm và có nhiều rủi ro trong thị trường lao động thời gian tới. Do đó, đòi hỏi lao động tham gia làm việc trong thời đại kỹ thuật số phải có các kỹ năng tối thiểu là ngoại ngữ, sử dụng máy tính, biết sử dụng Internet.

Chia sẻ thực tế từ các thế hệ học sinh đã thành công trở về trường tư vấn cho lớp đàn em, đa số đều là các bạn làm “trái nghề” hoặc phải nỗ lực rèn luyện, phát triển kỹ năng mềm thật nhiều bên cạnh kiến thức học được. “Khi trên mạng xuất hiện quá nhiều nguồn tin từ người có chuyên môn hoặc không chuyên môn, chúng em cần được tư vấn, định hướng rõ hơn về tương lai. Không chỉ là nhu cầu hiểu rõ năng lực bản thân, sự tương thích với ngành nghề hướng tới, nghề đang “hot” hiện nay, mà là định hình lập trường rõ ràng để bản thân an tâm, tự tin cũng rất cần thiết” - Bùi Trọng Nam (học sinh lớp 12 đến từ huyện Phú Tân) bày tỏ.

Là những người tham gia mạng xã hội, tận dụng các tiện ích để học tập, sáng tạo, học sinh đồng thời chịu ảnh hưởng từ các xu hướng đang thịnh hành. Không khó để tìm những clip chia sẻ về thành tích của người thành công. Ở đó, có rất nhiều người vì những hoàn cảnh, lý do khác nhau đã không theo đuổi học tập đến cùng và họ vẫn thành công. Huy Hùng (sinh viên Trường Đại học An Giang) cho biết, bản thân là người vừa ra trường, chưa tìm được công việc nên làm các dịch vụ để có thu nhập tạm thời. Sau nửa năm thử sức với vai trò MC, dẫn đoàn tham quan du lịch, hướng dẫn viên… mà Hùng gọi nôm na là “dịch vụ thập cẩm”, bạn phát hiện bản thân rất phù hợp và sẽ trau dồi để theo công việc này. Khá nhiều bạn học cùng khóa ra trường với Hùng nhận được lời động viên, những câu hỏi: Làm không đúng ngành có tiếc không?

“Em làm trái ngành nhưng không có nghĩa những kiến thức đã học đến nay không có giá trị. Để có kiến thức trò chuyện với mọi người và thuyết minh lưu loát, đó không phải là kết quả đọc thuộc lòng bài vở có sẵn. Trong nhiều năm đi học, em đã chăm chỉ đọc sách, những kiến thức về địa lý, văn hóa học trên giảng đường đã giúp em hiểu biết rộng hơn để tự tin chia sẻ với mọi người. Những bạn được đi làm đúng nghề là điều may mắn. Còn những ai phải rẽ hướng cần thấy rằng, từ giảng đường bước ra xã hội làm việc còn rất nhiều yêu cầu khác. Quan trọng nhất là phải học và không có tấm bằng nào vô dụng cả” - Huy Hùng cho biết.

Một doanh nghiệp tham gia trò chuyện với học sinh đã lấy ví dụ khá thuyết phục về chuyện học tới cùng hay học nửa vời vì tâm lý lăn tăn với bằng cấp: “Các em đều biết TikToker Phạm Thoại, với khả năng diễn xuất, thiết kế thời trang và kiếm tiền rất giỏi. Không riêng anh này, rất nhiều người nổi tiếng đều có lời khuyên đừng bao giờ bỏ học để đi kiếm tiền. Không phải mọi kiến thức đào tạo đều liên quan đến công việc sau này. Và chuyện của các em không chỉ có đi làm kiếm tiền. Chúng ta còn phải giao tiếp, mở rộng các mối quan hệ, giúp đỡ cộng đồng, phát triển một xã hội ở tầm cao hơn. Ở đó, các em học rất nhiều từ thực tiễn, nhưng nếu không có nền tảng đào tạo bài bản, các em sẽ đi sai hướng”.

Trở lại với công thức của thị trường lao động hiện nay, khi kỹ năng được coi trọng hơn thì để biết được ngoại ngữ, biết sử dụng máy tính, Internet… vẫn phải học. Không chỉ học thành thạo, các bằng cấp đi kèm sẽ thể hiện nỗ lực của từng cá nhân. Trên cơ sở đó, khi vào làm việc chính thức, người tuyển dụng sẽ đào tạo chuyên sâu, nâng cấp lao động của mình phù hợp và đúng hướng, phát huy tối đa các tố chất, ưu điểm.

HOÀI ANH