Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu cho biết, UBND huyện Chợ Mới gồm 18 thành viên, hoạt động ổn định, chuyên môn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện và các thành viên đạt chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Theo Luật TCCQĐP, UBND huyện thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch 5 năm, hàng năm, chiến lược phát triển dài hạn, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), trên cơ sở căn cứ Nghị quyết Đảng bộ và HĐND huyện. Những vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình KTXH địa phương đều được UBND huyện báo cáo, xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, chịu sự giám sát của HĐND, UBMTTQ huyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. UBND huyện làm việc theo chế độ tập thể, phân công cá nhân phụ trách. Từ đó hoạt động của UBND phát huy được nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể và tính thống nhất trong lãnh đạo. Đồng thời phát huy vai trò, trách niệm cá nhân của Chủ tịch trong công tác quản lý, điều hành công việc.
Từ năm 2014 đến nay, tổ chức bộ máy của huyện có 12 phòng chuyên môn theo quy định. Tổ chức bộ máy các phòng, ban của huyện thường xuyên củng cố, phân công theo vị trí việc làm phù hợp trình độ chuyên môn, nhờ đó hoạt động các phòng, ban chuyên môn ổn định, phát huy tốt vai trò tham mưu. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Nguyễn Hồng Viễn thông tin: “Kết quả thực hiện nhiệm vụ của UBND huyện Chợ Mới nổi bật nhất là kế thừa truyền thống, phát huy nội lực, điều hành, lãnh đạo năng động, góp phần đưa KTXH phát triển. Chợ Mới là địa phương có dân số đông nhất tỉnh, đa số sống bằng nghề nông. Hiện thu nhập bình quân đầu người dân Chợ Mới đạt 44,29 triệu đồng/người/năm, theo tiêu chí nông thôn mới”. Đó là nhờ huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng giảm dần diện tích lúa, tăng tỷ trọng rau màu, cây ăn trái gắn ứng dụng công nghệ cao, khoa học - kỹ thuật, nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị... mang lại hiệu quả tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hàng năm, giá trị sản xuất bình quân 1ha đất cây hàng năm đạt 315 triệu đồng/ha, đến nay, huyện có 5 xã nông thôn mới. Thương mại dịch vụ phát triển, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xã hội hóa đầu tư, du lịch có nhiều bước tiến. Chất lượng giáo dục, mạng lưới y tế, văn hóa được củng cố phát triển, an sinh xã hội thực hiện tốt, an ninh trật tự được giữ vững. Chợ Mới có diện tích trồng rau màu lớn nhất tỉnh, đi đầu và điển hình của tỉnh trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu cây trồng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá cao.
Đối thoại lắng nghe ý kiến, nguyện vọng nhân dân đối với công tác điều hành, quản lý của Nhà nước
Bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp được nâng lên. Huyện thực hiện tốt cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý, góp phần nâng chỉ số cải cách hành chính của huyện năm 2017 được xếp hạng 4/11 huyện, thị xã, thành phố. Trong quá trình điều hành, lãnh đạo, Huyện ủy, UBND từ huyện đến cấp xã thường xuyên tổ chức các hội nghị trao đổi, đối thoại với nhân dân. Từ đó nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với công tác điều hành, quản lý của Nhà nước. Qua đó đã cụ thể hóa vai trò của nhân dân trong hoạt động giám sát đối với Nhà nước, thực hiện tốt Luật TCCQĐP.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật TCCQĐP, huyện còn một vướng mắc, bất cập và hạn chế, do quy định của luật như: đơn vị hành chính cấp xã loại II (chỉ còn 1 Phó Chủ tịch), nên đã gặp nhiều khó khăn trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại cấp xã trong trường hợp Chủ tịch và Phó Chủ tịch vắng… dẫn đến trường hợp người dân phiền hà, không hài lòng vì phải chờ đợi... Qua đó, Chợ Mới đề xuất, kiến nghị Trung ương sớm ban hành quy chế tổ chức hoạt động của UBND các cấp và quy định nhiệm vụ, quyền hạn người đứng đầu HĐND, UBND.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU