Hiệu quả từ chương trình mục tiêu quốc gia ở Tri Tôn

03/01/2025 - 07:55

 - Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ở huyện Tri Tôn đã mang lại những kết quả tích cực. Nhiều dự án thành phần thuộc chương trình được triển khai kịp thời đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng biên giới.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần cải thiện đời sống người dân

Là một trong những huyện nghèo của cả nước năm 2024, huyện Tri Tôn có gần 34% người dân là đồng bào DTTS, nhiều nhất là đồng bào DTTS Khmer. Bằng nhiều nỗ lực, năm 2024, toàn huyện đã giảm hộ nghèo xuống còn 1.478 hộ, tỷ lệ 4,42%, giảm 2,05%. Trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS Khmer còn 1.063 hộ, tỷ lệ 9,54%, giảm 4,81%; hộ cận nghèo có 2.286 hộ, tỷ lệ 6,83%, giảm 1,57%.

Nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, huyện Tri Tôn tập trung triển khai các dự án từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS và miền núi. Qua thời gian triển khai đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Tri Tôn Phạm Thị Kiều Oanh cho biết, phòng đã triển khai đầy đủ các văn bản liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều cuộc họp triển khai, hướng dẫn, rà soát, thẩm định; tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành tỉnh, các phòng, ban, ngành huyện và gửi văn bản đề nghị hướng dẫn thực hiện đến các sở, ngành tỉnh có liên quan để thống nhất trong tổ chức thực hiện. Tham mưu UBND huyện ban hành các kế hoạch triển khai chương trình. Trong đó, rà soát, bổ sung nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và hỗ trợ chuyển đổi nghề năm 2024; rà soát và xác định lại các hộ đủ điều kiện hỗ trợ đất ở, nhà ở thuộc dự án 1; rà soát lại danh sách các hộ được phê duyệt thụ hưởng hỗ trợ đất ở, nhà ở thuộc dự án 1. Đồng thời, rà soát danh mục dự án duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng thuộc dự án 4 và tổ chức các cuộc họp triển khai, đôn đốc, nhắc nhở.

Theo Phòng Dân tộc huyện, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 2024 (bao gồm nguồn vốn năm 2022, 2023) trên 75 tỷ đồng. Qua đó, thực hiện phân bổ vốn đến năm 2024 (gồm nguồn vốn năm 2022, 2023) là gần 57,5 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân nguồn vốn năm 2024 trên 20,4 tỷ đồng, tỷ lệ 35,53%. Nguồn vốn tập trung vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cụ thể như Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc.

Bên cạnh đó là các dự án: Dự án 5 (Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực); Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em); Dự án 9 (Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn); Dự án 10 (Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình).

Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Tri Tôn Phạm Thị Kiều Oanh, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, sự phối hợp của các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn; sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia thực hiện của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện chương trình. Công tác rà soát nhu cầu thực hiện, bổ sung các đối tượng thụ hưởng thuộc dự án 1 và dự án 4 còn chậm, khâu rà soát còn nhiều sai sót phải điều chỉnh nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, phân bổ và giải ngân nguồn vốn chung của huyện.

Nhiều nội dung thành phần của chương trình thuộc thẩm quyền quyết định và hướng dẫn của cấp tỉnh, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng, gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Mặt khác, định mức hỗ trợ về đất ở 44 triệu đồng/hộ không đủ để mua đất ở, người dân nghèo có nhu cầu thụ hưởng thì không có khả năng đối ứng, nên thực hiện hỗ trợ đất ở gặp khó khăn. Từ đó, vẫn còn tồn tại vấn đề “dân thiếu đất ở, nhưng không giải quyết được”…

MINH ĐỨC