Hiệu quả từ STEM

01/09/2023 - 06:16

 - Hơn 2 năm qua, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã thành công triển khai phương pháp giáo dục STEM - mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn.

Đồ thủ công của học sinh làm từ bã mía và vỏ chuối

Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến La Thế Dũng, năm học 2022 - 2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức được triển khai cho khối lớp 10, giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực. Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục STEM vào trong dạy học. Các hoạt động về giáo dục STEM được gia tăng về số lượng lẫn chất lượng ở tất cả bộ môn, khối lớp, được phân bổ đều trong suốt năm học.

Phong trào không ngừng được lớn mạnh, tổ chuyên môn thực hiện nhiều chuyên đề cho các khối lớp. Ngoài dự án được ứng dụng từ lý thuyết đã học, có câu lạc bộ tiếng Anh, buổi dã ngoại tại các làng nghề ở địa phương, khu di tích văn hóa... "Thông qua các hoạt động trải nghiệm, bài học ứng dụng STEM giúp học sinh phát triển thành dự án nghiên cứu khoa học. Đó là tiền đề giúp phong trào nghiên cứu khoa học ở nhà trường được nâng cao về chất lượng và số lượng. Trước đây, mỗi năm số lượng dự án dự thi nghiên cứu khoa học của trường ít hoặc chỉ vừa đủ 6 dự án dự thi cấp tỉnh. Nhưng từ khi thúc đẩy phong trào giáo dục STEM, số lượng dự án gia tăng đáng kể" - thầy Dũng cho biết. 

Cụ thể, năm học 2021 - 2022, số dự án đăng ký cấp trường là 9, phải tổ chức cuộc thi cấp trường để chọn lại 6 dự án thi cấp tỉnh. Kết quả kỳ thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, trường đoạt 1 giải nhất, 1 giải nhì, 4 giải ba. Năm học 2022 - 2023, số dự án đăng ký cấp trường là 13, chọn lại 6 dự án thi cấp tỉnh. Giáo viên hướng dẫn mở rộng sang khối xã hội, như: Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý. Kết quả kỳ thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, trường đoạt 2 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba và 1 giải nhì chung cuộc. Ngoài ra, các dự án còn được dự thi cấp quốc gia, đoạt giải nhất.

Hoạt động dưới cờ của các em học sinh

Chia sẻ thêm kinh nghiệm, thầy La Thế Dũng cho biết, đầu năm học, trường chủ động xây dựng kế hoạch về công tác giáo dục STEM, lồng ghép vào các môn học, triển khai cụ thể đến từng tổ chuyên môn. Chẳng hạn: Tổ Toán sẽ thực hiện chuyên đề ứng dụng của phép biến hình trang trí mỹ thuật. Tổ Vật lý thực hiện chuyên đề ứng dụng vật lý trong cuộc sống. Tổ tiếng Anh tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh với các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, kết hợp học tập, tạo sân chơi bổ ích, giúp học sinh có cơ hội giao tiếp tiếng Anh. Tổ Lịch sử kết hợp tổ Địa lý tổ chức hoạt động dã ngoại “Tham quan trải nghiệm Khu di tích Óc Eo”. Tổ Hóa học làm chuyên đề “Nuôi tinh thể” (khối 10), “Rượu trái cây lên men”, “Nến thơm” (khối 11), “Khuôn đậu phụ Happy” (khối 12).

Tùy vào tình hình thực tế của bộ môn, các tổ trưởng chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục STEM ở các khối lớp, lồng ghép chung kế hoạch tổ. Hoạt động này được lãnh đạo nhà trường theo dõi trong suốt năm học, có thể được thực hiện trong các tiết học, hoạt động của tháng bộ môn, hay buổi sinh hoạt dưới cờ, tham quan, dã ngoại...

Từ đó, nhà trường tổng hợp, sắp xếp lịch hoạt động giáo dục STEM cho toàn trường phù hợp với chương trình và thời gian học tập của các em, tránh tình trạng dồn nhiều môn vào cùng thời điểm, ảnh hưởng chất lượng học của học sinh. Cùng với đó, nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ thực hiện giáo dục STEM; huy động các bộ phận khác tham gia; hỗ trợ một phần kinh phí, đồng thời khuyến khích giáo viên tận dụng thế mạnh của địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch giáo dục STEM tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu.

"Với giáo dục STEM, học sinh có thể học lập trình điều khiển, chế tạo robot theo hướng Robotics, nhưng cũng có thể chế tạo chiếc thuyền chạy bằng lực đẩy của bóng bay... Qua đó cho thấy, việc dạy và học STEM không nhất thiết phụ thuộc điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại, mà hoàn toàn tùy thuộc vào ý tưởng triển khai của giáo viên. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếp tục cho khối 11. Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục STEM. Có thể thấy, đây là phương pháp hay, hữu ích trong dạy và học.

Đặc thù là trường thuộc huyện vùng ven, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn về STEM robotics, nhưng với tấm lòng yêu nghề, đầy nhiệt huyết, chúng tôi luôn tìm cách khắc phục khó khăn, sáng tạo những dự án STEM phù hợp đảm bảo mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục 2018" - thầy La Thế Dũng chia sẻ đầy tâm huyết.

NGỌC GIANG