Hiểu thêm về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

29/09/2022 - 07:37

 - Triển lãm “Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Xưa và nay”, do Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức tại Bảo tàng tỉnh An Giang, đã thu hút được đông đảo giới trẻ và người dân. Đây là triển lãm rất ý nghĩa, vừa thể hiện sự tôn vinh, vừa là sự giới thiệu rộng rãi đến người dân An Giang về văn hóa vùng đất Tây Nguyên.

Giới thiệu về hoạt động văn hóa được diễn ra trong tháng triển lãm (từ ngày 12/9 đến 9/10/2022), Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk Trần Quang Năm thông tin: “Lần trưng bày chuyên đề “Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Xưa và nay” tại Bảo tàng tỉnh An Giang, chúng tôi mong muốn giới thiệu tới công chúng 76 hình ảnh, 4 bài viết kết hợp với 2 nhóm hiện vật. Đó là những vật dụng sinh hoạt hàng ngày của các tộc người thiểu số Tây Nguyên, nghi lễ (ché, cây cột rượu, nồi đồng…) cùng các bộ chiêng quý của người Êđê, Jrai, M’nông, Sê Đăng, Bana; 1 phim tư liệu nhằm làm nổi bật những giá trị văn hóa độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên. Qua đó, giới thiệu đến đông đảo công chúng về giá trị di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” vào năm 2005 và “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2008, là niềm tự hào của cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng”.

Theo ông Trần Quang Năm, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Sê Đăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Về cội nguồn, có nhà nghiên cứu cho rằng, cồng chiêng là “hậu duệ” của đàn đá. Trước khi có văn hóa đồng, người xưa đã tìm đến loại khí cụ, như: Cồng đá, chiêng đá, tre, rồi tới thời đại đồ đồng, mới có chiêng đồng...

Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng - là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên... Âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu... hay trong một buổi nghe khan, đều phải có tiếng cồng, tiếng chiêng.

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tìm hiểu các loại cồng chiêng được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Đã có thời, một chiếc chiêng giá trị bằng 2 con voi hoặc 20 con trâu. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên, vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.

Hiện nay, tại hầu hết các buôn làng Tây Nguyên đều có những đội cồng chiêng phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng, trong dịp hội hè. Vào ngày lễ, Tết, hình ảnh quen thuộc “bên ngọn lửa thiêng, những vòng người say sưa múa hát trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng” lại xuất hiện trên khắp các buôn làng. Các nghệ nhân dân gian diễn tấu cồng chiêng kết hợp với nhau rất hài hòa, tạo nên những bản nhạc với các tiết tấu, hòa thanh rất phong phú, mang sắc thái riêng với muôn vàn cung bậc.

Âm nhạc của cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác. Từ việc chỉnh chiêng đến biên chế thành dàn nhạc, cách chơi, cách trình diễn, những người dân dẫu không qua trường lớp đào tạo vẫn thể hiện được những cách chơi điêu luyện tuyệt vời. Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên không những là một giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội, mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ.

Chính vì ý nghĩa sâu sắc của văn hóa cồng chiêng xuyên suốt qua bao thế hệ mà theo ông Trần Quang Năm, chúng ta càng phải trân trọng và giữ gìn. Thông qua việc biểu diễn các bài nhạc, ca khúc từ truyền thống đến hiện đại, qua triển lãm thực tế các loại nhạc cụ cồng chiêng, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk mong muốn gửi đến người dân An Giang, du khách trong vào ngoài nước về những giá trị, vai trò của âm nhạc cồng chiêng trong đời sống cộng đồng ở Đắk Lắk nói riêng, vùng đất và con người Tây Nguyên nói chung. Âm thanh của cồng chiêng không đơn thuần là tiếng nhạc mà còn là sợi dây kết nối mọi người lại với nhau, kết nối các cộng đồng dân tộc Việt Nam…

NGỌC GIANG