.jpg)
Đội trống Chhay Dăm chùa Tà Ngáo biểu diễn trong các dịp lễ, tết tại chùa
Trong những lần về với chùa Tà Ngáo, tôi có dịp được xem các tiết mục biểu diễn thú vị của đội múa trống Chhay Dăm. Qua đôi tay rắn rỏi, mạnh mẽ của những thiếu niên Khmer, các điệu trống vui tươi vang lên, phảng phất sự hồn hậu, hóm hỉnh trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer. Điểm độc đáo của nghệ thuật diễn tấu trống Chhay Dăm là người biểu diễn vừa đánh trống vừa đảm nhiệm vai diễn nào đó trong câu chuyện của tác phẩm.
Em Chau Thanh - Đội trưởng Đội múa trống Chhay Dăm chùa Tà Ngáo chia sẻ: “Muốn chơi được trống Chhay Dăm phải có đam mê. Trước tiên, phải nắm được kỹ thuật đánh trống đúng nhịp. Tiết tấu trong bài biểu diễn khi nhanh, khi chậm nên nhịp trống thay đổi liên tục. Khi nắm vững nhịp mới học biểu diễn hình thể kết hợp tiếng trống để nói lên nội dung bài múa”.
Theo em Chau Thanh, người học phải có thời gian tập luyện ít nhất 3 tháng để nắm kỹ thuật chơi trống Chhay Dăm cơ bản. Để kết hợp nhuần nhuyễn hình thể với nhịp trống mất khoảng 1 năm.
“Đội trống của chùa Tà Ngáo có 18 người, với độ tuổi từ 13 - 18. Người học khoảng nửa năm có thể tham gia biểu diễn. Có những bài khó, chúng em phải tập hàng tháng mới biểu diễn cho mọi người xem. Vì múa trống đòi hỏi sức khỏe tốt, sự dẻo dai nên chỉ các bạn nam mới tham gia được”, Chau Thanh nói.
Nói về ý nghĩa của loại hình nghệ thuật độc đáo này, Đại đức Chau Khi - sãi cả chùa Tà Ngáo cho biết: “Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay Dăm của đồng bào Khmer có từ rất lâu đời. Vào những dịp lễ, tết, đồng bào Khmer thường tổ chức biểu diễn trống Chhay Dăm nhằm mục đích cầu an, cầu mùa màng tươi tốt. Đó còn là dịp thể hiện lòng biết ơn với thiên nhiên, tổ tiên và thần linh phù hộ có cuộc sống no ấm.
Trong những bài múa trống Chhay Dăm, người xem thấy xuất hiện các nhân vật quen thuộc của văn hóa Khmer như chằn, chằn chim, chằn khỉ. Tất cả đều toát lên vẻ nghênh ngang, ngạo nghễ đặc trưng kết hợp với các tình huống gây cười khiến cho bài múa thu hút người xem.
“Sư cố gắng giữ gìn, phát huy đội trống Chhay Dăm của chùa để phục vụ bà con, phật tử. Không riêng ở phường Tịnh Biên, những nơi khác mời các em đến biểu diễn, sư đều ủng hộ. Sư mong các em được biểu diễn nhiều hơn để có điều kiện duy trì niềm đam mê với trống Chhay Dăm”, sư Chau Khi chia sẻ.
Cơ quan chuyên môn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh An Giang, Sở Văn hóa và Thể thao An Giang phối hợp với các chức sắc, người có uy tín trong đồng bào Khmer và chính quyền địa phương tổ chức 2 lớp truyền dạy trống Chhay Dăm cho gần 50 học viên trên địa bàn xã Ô Lâm và phường Tịnh Biên. Thông qua các lớp học góp phần khơi dậy đam mê của thanh niên Khmer với loại hình nghệ thuậ truyền thống này, làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới.
Đặc biệt, Sở Văn hóa và Thể thao An Giang phối hợp các địa phương và Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh lập hồ sơ khoa học “Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay Dăm của người Khmer tỉnh An Giang” để trình Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa loại hình nghệ thuật này vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Với những giá trị văn hóa tiêu biểu, nghệ thuật diễn tấu trống Chhay Dăm của đồng bào Khmer tỉnh An Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thông qua Quyết định số 1350/QĐ-BVHTTDL.
Với sự quan tâm của ngành chuyên môn và các địa phương có đông đồng bào Khmer, nghệ thuật diễn tấu trống Chhay Dăm tiếp tục được giữ gìn, phát triển, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá về hình ảnh vùng đất và con người An Giang đến du khách.
Bên cạnh nghệ thuật diễn tấu trống Chhay Dăm, tỉnh An Giang còn có Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Lễ hội Kỳ Yên đình thần Thoại Ngọc Hầu, Hội đua bò Bảy Núi, tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của đồng bào Khmer, nghệ thuật trình diễn sân khấu dù kê của đồng bào Khmer xã Ô Lâm, nghi lễ vòng đời của đồng bào Chăm Islam xã An Phú và phường Tân Châu, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm xã Châu Phong… được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Bài và ảnh: THANH TIẾN