Hình ảnh Bác Tôn qua tâm tư nghệ sĩ

20/08/2018 - 04:51

 - Chỉ một lần về thăm quê Bác, được đặt chân lên chuyến phà Ô Môi, cảm nhận đời sống hiền hòa, vùng sông nước bình dị đã sản sinh ra một anh hùng dân tộc Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thế hệ con cháu hôm nay, nhất là giới văn nghệ sĩ đã không thể kìm nén những cảm xúc dâng trào, để từ đó sáng tác nên những tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa, khắc họa hình ảnh chân thật mà hào hùng vị Chủ tịch đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Bao lần đến với vùng đất cù lao Mỹ Hòa Hưng là bao lần soạn giả Quang Chính (ngụ thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) mang trong tâm hồn những cảm xúc khác biệt. Vẫn là hình ảnh ngôi nhà sàn đơn sơ, là đền thờ Bác uy nghiêm, là những kỷ vật gắn bó cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác nhưng mỗi lần nhìn lại anh luôn tìm thấy những điều mới mẻ.

Lại thêm mang trong mình niềm đam mê và âm hưởng loại nghệ thuật ca cổ, anh đã sáng tác nên bài ca cổ “Về thăm quê hương Bác Tôn”, tác phẩm đạt giải nhì trong “Cuộc vận động sáng tác lời mới 20 bản tổ nhạc tài tử Nam Bộ, bài vọng cổ và chặp cải lương, hưởng ứng xây dựng nông thôn mới” tại TP. Hồ Chí Minh (năm 2012).

Hình ảnh Bác Tôn qua tâm tư nghệ sĩ

Tranh “Bác Hồ và Bác Tôn” từ chất liệu đá granite Bảy Núi

Mới đây, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc và bài ca cổ chủ đề kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cuộc thi được phát động rộng rãi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đã thu hút đông đảo các tác giả gửi về gần 400 ca khúc, bài ca cổ; 162 kịch bản tuyên truyền lưu động và tiểu phẩm sân khấu, ca cảnh, kịch ngắn, kịch thông tin lưu động, chập cải lương…

Một trong những tác giả đạt giải khuyến khích của hội thi với bài ca cổ “Huyền thoại Mỹ Hòa Hưng” là tác giả Viết Lãm (xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn). Anh  Lãm chia sẻ: “Tôi cảm nhận được sự hy sinh, cống hiến của Bác cho quê hương, đất nước được thanh bình, tự do. Bác đã để lại cho chúng ta 1 kho tàng phẩm chất và đạo đức quý giá, là hình ảnh của người thợ Ba Son ngời sáng 2 chữ “trung cang”.

Hình ảnh Bác Tôn qua tâm tư nghệ sĩ

Tranh gáo dừa “Bác Tôn và quê hương An Giang”

Tại Đền thờ Bác Tôn có một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn của giới văn nghệ sĩ An Giang. Đó là bức tranh làm bằng gáo dừa “Bác Tôn và quê hương An Giang” của họa sĩ Bùi Quang Vinh do Công ty Dừa Việt thi công. Tranh nằm trên tường, phía sau Đền thờ Bác, kích thước 4,2m x 3,4m, được tạo nên từ hàng chục ngàn mảnh gáo dừa, đã từng đạt kỷ lục Việt Nam, hoàn thành vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Tôn.

Họa sĩ Bùi Quang Vinh cho biết, ý tưởng của mình là thể hiện truyền thống đấu tranh và sự phát triển, đi lên từng ngày trên quê Bác. Hình ảnh Bác Tôn được đặt ở góc trên, bên trái, hậu cảnh là dãy núi Thất Sơn, tiền cảnh là những bông lúa và cá basa, các họa tiết kiến trúc đền đài xen lẫn thể hiện sự chung sống hòa đồng, đoàn kết của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Vùng quê An Giang với thiên nhiên trù phú, truyền thống lịch sử lâu đời và sự phát triển ngày càng đi lên được tái hiện rõ nét trong tranh.

Hình ảnh Bác Tôn qua tâm tư nghệ sĩ

Nhà sàn Bác Tôn qua nét vẽ bút lửa trên lá thốt nốt

Tranh lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng cũng góp phần làm phong phú cho chủ đề tranh vẽ về Bác Tôn, như: chân dung Bác Tôn, Bác Hồ và Bác Tôn, Đền thờ Bác, làng quê Mỹ Hòa Hưng, ngôi nhà sàn xưa đậm nét quê của Bác… Hầu hết tranh được công ty đặt hàng để bán, số còn lại vẽ theo nhu cầu của khách làm quà tặng trang trọng.

Với niềm đam mê tranh đá, họa sĩ Phan Võ Hoàng Nam đã tạo nên dòng sản phẩm đặc biệt chỉ gam màu đen - trắng từ đá granite Bảy Núi. Vất vả, công phu nhưng ý nghĩa vô vùng khi những bức tranh sống động được ông thực hiện gần gũi như chính cuộc sống đang diễn ra. Từ chất liệu khó và thô của đá, ông đã thực hiện bức tranh Bác Hồ và Bác Tôn, hiện nay trưng bày tại Huyện ủy Châu Phú và bức chân dung Bác Tôn tặng cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh).

Bài, ảnh: NGỌC GIANG - NGUYÊN ĐĂNG