Hình thành trung tâm giống cá tra tại An Giang

12/07/2024 - 06:26

 - Với nỗ lực triển khai Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL (Đề án cá tra 3 cấp), An Giang hướng đến trở thành trung tâm cung ứng giống cá tra uy tín cho cả vùng. Mấu chốt thành công là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, triển khai chuỗi liên kết bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi, đầu tư công nghệ cao vào quy trình sản xuất con giống.

Triển khai 3 cấp

Là cái nôi của nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, năm 2018, An Giang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chọn triển khai Đề án cá tra 3 cấp. Ngày 14/1/2019, UBND tỉnh đã có Quyết định 85/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2018 - 2025.

Theo Sở NN&PTNT, việc triển khai thực hiện đề án trên địa bàn An Giang đạt nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2017 đến nay, các cơ sở sản xuất cá tra bột của tỉnh đã tiếp nhận 12.320 con cá tra bố mẹ hậu bị và sinh sản được cải thiện di truyền từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II để bổ sung, thay thế cho đàn cá tra bố mẹ của cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng cá tra bột cung cấp cho các chuỗi liên kết cá tra 3 cấp của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Thanh Bình cho biết, đến nay, tỉnh đã triển khai và hình thành được 3 chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, với thành phần, gồm: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (cấp 1), Trung tâm Giống thủy sản và các cơ sở vệ tinh sản xuất cá tra bột (cấp 2) và các chi hội ương giống cá tra (cấp 3). Hàng năm, sản xuất và cung cấp khoảng 4,5 - 5 tỷ cá tra bột và khoảng 0,8 - 1 tỷ cá tra giống.

Đối với cấp 1, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã cung cấp 12.320 con cá tra bố mẹ hậu bị và sinh sản. Đối với cấp 2, gồm Trung tâm Giống thủy sản An Giang và 4 cơ sở sản xuất cá tra bột liên kết với trung tâm, có 26.300 con cá tra bố mẹ, năng lực cung cấp 6,8 tỷ cá bột/năm. Đối với cấp 3, gồm 3 chi hội sản xuất cá giống (AFA, Châu Phú và Phú Thuận), với 54 hội viên, tập trung ở các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và TP. Long Xuyên, đạt tổng diện tích ương 251ha, năng lực sản xuất giống từ 600 - 700 triệu con/năm.

Chăm sóc ao cá tra giống

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành chuỗi liên kết ương dưỡng giống giữa Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn và Chi hội Nghề nuôi thủy sản Phú Thuận, ký kết hợp tác liên kết tiêu thụ giống cá tra vào ngày 31/7/2023. Đến nay, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã thu mua từ các ao cá tra giống của Chi hội Nghề nuôi thủy sản Phú Thuận được 2,2 triệu con cá tra giống đã tiêm vaccine, tỷ lệ hao hụt sau tiêm khoảng 10 - 12,5%.

Thu hút doanh nghiệp tham gia

Đến nay, có 3 DN đầu tư vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao tham gia Đề án cá tra 3 cấp với diện tích 442,3ha, gồm: Tập đoàn Việt Úc 104ha, Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (150ha sản xuất giống) và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (48,3ha); năng lực cung cấp khoảng 500 triệu con giống chất lượng cao. Trong đó, Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc, Công ty TNHH Sản xuất giống cá tra Vĩnh Hoàn ứng dụng công nghệ sinh học phân tử vào nghiên cứu sản xuất giống, được chứng nhận là “DN nông nghiệp công nghệ cao”; Công ty TNHH MTV NTTS Nam Việt Bình Phú được chứng nhận là “Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, với diện tích 233ha.

Các cơ sở sản xuất giống đạt chứng nhận quốc tế BAP, GlobalGAP tăng đáng kể (Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Nha Trang Seafood), với diện tích 60,1ha, năng lực sản xuất khoảng 4.300 con giống/năm.

Theo Sở NN&PTNT, hiện có 4 DN tham gia Đề án cá tra 3 cấp đã xây dựng các vùng ương giống tập trung, với tổng diện tích 442ha, năng lực sản xuất hàng năm 1,8 tỷ con cá hương và cá giống. Trong đó, đối với vùng ương giống tập trung của Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc, đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục đầu tư, các thủ tục về ĐTM (đánh giá tác động môi trường) và đưa vào sản xuất thương mại từ năm 2023. Công ty đã tuyển chọn khoảng 3.500 con cá tra bố mẹ để phục vụ sản xuất giống, đàn bố mẹ hậu bị và sinh sản khoảng 10.000 con thế hệ G.2 và đang tiếp tục chọn lọc thế hệ G.3; đã xây dựng khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao với 18 nhà màng, diện tích mỗi nhà 200m2, khu ương giống đã bố trí 18 ao ương ngoài nhà màng (mỗi ao 1.800m2). Dự kiến, Công ty Việt Úc sẽ sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 50 triệu con giống/năm.

Đối với vùng ương giống tập trung của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú, dự án đã giải phóng mặt bằng hơn 500ha (có 150ha ương dưỡng giống). Công ty đã hoàn thiện cơ sở vật chất khu sản xuất, ương dưỡng trong ao lót bạt và thực hiện sản xuất, ương dưỡng giống để tự cung cấp một phần con giống cho nhu cầu nuôi của công ty, năng lực cung cấp khoảng 1 tỷ con giống/năm.

Đối với vùng ương giống tập trung của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, đã triển khai thi công cơ sở hạ tầng, như: Hệ thống ao ương cá, nuôi vỗ cá bố mẹ, kênh cấp thoát nước, nhà sản xuất, nhà kho... theo tiến độ và đã hoàn thành các hạng mục cơ bản, đưa vào sản xuất từ tháng 5/2022; năng lực khoảng 46 triệu cá hương và giống/năm.

An Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT ủng hộ dự án “Liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao cồn Chính Sách (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) và cồn Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang)”, với tổng kinh phi đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Đây là dự án được 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp thống nhất cùng đề xuất, với mục tiêu quy hoạch phát triển toàn bộ diện tích cồn Vĩnh Hòa và cồn Chính Sách thành vùng ương giống công nghệ cao, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cá tra

 

HOÀNG XUÂN