Dấu ấn của hổ
Không khó để thấy được sự uy nghiêm của loài cọp trong tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là ở vùng Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng. Thực tế, hình tượng “Ông hổ” xuất hiện ở hầu hết các ngôi đình làng, với vai trò là vị thần phò trợ cho cuộc sống của người dân từ những ngày đầu mở đất.
Trưởng ban Quý tế đình thần Bình Mỹ (huyện Châu Phú) Phan Văn Trạng cho biết: “Đó là loài vật có linh tính, tình cảm, hiểu được lẽ phải, bảo vệ người ngay, trừng trị kẻ gian. Ngoài ra, “Ông hổ” là vị thần giúp người dân chống lại những thế lực tà ác trong cuộc sống. Bất kỳ ngôi đình nào cũng có nơi thờ cúng “Ông hổ”. Người xưa thờ phụng “Ông hổ” trong khuôn viên đình không ngoài hàm ý cầu mong sự phù hộ để làng xóm bình yên, mùa màng tươi tốt, quốc thới dân an”.
Có thể nói, tục thờ “Ông hổ” của người Việt mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Người Việt đã thần thánh hóa vai trò của hổ để tạo biểu tượng sức mạnh cho cộng đồng. Họ đã coi hổ là vị thần may mắn, đem lại bình an cho cuộc sống. Bởi từ xưa, dân ta đã cho rằng “Ông hổ” có uy quyền trong tay, quyết định sự sinh tồn của vạn vật. Việc thờ “Ông hổ” còn ngụ ý mong cho gia đình sung túc, mạnh khỏe, hưng thịnh nên không khó tìm thấy những bức tranh hoặc hình tượng “Ông hổ” trong gian nhà người Việt.

Ở An Giang, loài hổ để lại dấu ấn đặc biệt với vết tích hang Ông Hổ ở khu vực vồ Thiên Tuế trên núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên). Theo dân gian, đây là hang của loài bạch hổ khi xưa trú ngụ, nổi tiếng linh thiêng. Thời điểm chưa có dịch bệnh COVID-19, nơi đây được khách hành hương tới lui cúng bái quanh năm. Trước miệng hang, người ta cho xây bức tượng 2 “Ông hổ” uy nghi, chễm chệ thể hiện rõ vị thế của “Chúa sơn lâm”. Tương truyền, hổ trên núi Cấm là cọp tu, không sát sanh hại vật và phù trợ con người nên được suy tôn thành thần. Dù chỉ là huyền thoại nhưng du khách vẫn thấy choáng ngợp bởi không khí linh thiêng bao trùm qua làn khói hương nghi ngút tại hang Ông Hổ.
Đa phần khách hành hương đều nghe nói hang Ông Hổ rất linh thiêng nên muốn thắp hương khi có dịp. Họ vừa viếng “Ông hổ”, vừa dặn lòng mình phải hướng về nẻo thiện, không làm điều trái với đạo đức, lương tâm. Dù “Ông hổ” hiện giờ không còn, nhưng giá trị tâm linh về loài vật này trở thành một phần đặc biệt, góp phần tạo nên vẻ huyền bí của miệt Thất Sơn màu nhiệm.
Huyền thoại ly kỳ
Không chỉ hiện hữu trong những dấu tích địa danh, hổ còn xuất hiện qua những huyền thoại ly kỳ, với uy thế của chúa tể muôn loài. Người dân xã Thới Sơn (huyện Tịnh Biên) và tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đến ngày nay vẫn truyền tai nhau câu chuyện ông Tăng Chủ thuần phục “Chúa sơn lâm”.
Về thân thế, ông Tăng Chủ (Bùi Văn Thân) là đệ tử thứ 2 của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên. Ông được mô tả là người có ngoại hình cao lớn, tướng mạo uy phong nhưng tâm tính thuần lương, có nhiều lần đánh đuổi thú dữ, giúp tín đồ và người dân được yên ổn làm ăn.
Trưởng ban Quản lý Khu di tích đình Thới Sơn Bùi Văn Băng kể lại: “Có lần Phật Thầy Tây An đi xa về, thấy một con hổ trắng ngồi ủ rũ ngoài sân. Thấy thế, ngài mới hỏi: “Chà! Đau gì mà ốm nhom vậy đạo hổ? Ông lại xin thuốc phải không?”. Vừa nói, Phật Thầy vừa bước vào cốc kêu ông Tăng Chủ ra chữa bệnh cho “đạo hổ”.
Thấy ông Tăng Chủ bước ra, bạch hổ há miệng, ngước lên nhìn. Ông Tăng Chủ hỏi: “Ông mắc xương phải không?”. Bạch hổ gật đầu. Ông Tăng Chủ bảo: “Nếu mắc xương thì cúi đầu xuống”. Bạch hổ làm theo và vung tay đấm ngay cổ cúc của hổ 3 cái, cục xương từ trong họng hổ vọt ra. Gỡ xương cho bạch hổ xong, ông Tăng Chủ từ tốn: “Cố ăn lắm sao mà mắc cục xương quá lớn? Thôi hết rồi, đi đi!”. Khi ấy, Phật Thầy Tây An bước ra dặn bạch hổ: “Từ đây, cấm ông quấy phá bà con, bổn đạo của tôi lên núi hay vào rừng nữa, nghe không!”. Bạch hổ cúi đầu lui ra.
Vài hôm sau, trước trại ruộng có một con heo rừng còn in dấu răng hổ. Ông Tăng Chủ biết đó là bạch hổ mang đến đền ơn. Từ đó, người dân không còn bị bạch hổ đe dọa, làm hại như trước đây nên cuộc sống khá yên lành. Nhân dân trong vùng suy tôn bạch hổ là “Ông Cả”, cai quản khu rừng quanh chân núi Kéc. Mỗi năm, Phật Thầy đều cho bạch hổ một “tờ cử” xem như tờ phong sắc kèm theo cái đầu heo. Điều kỳ lạ là người dân thấy “tờ cử” mới và cái đầu heo được mang đi mất, chỉ còn “sắc phong” của năm cũ được bỏ lại.
“Không chỉ đền ơn cứu mạng, bạch hổ còn cùng ông Tăng Chủ đánh đuổi con hạm (loài thú dữ có lông đen) trên núi Bà Đội Om, thường bén mảng tới chân núi Kéc quấy phá dân lành. Nhớ ơn bạch hổ, ông Tăng Chủ cho lập miếu thờ trong khuôn viên đình Thới Sơn và phong tước “Bạch Hổ Sơn Quân”. Ngày nay, ngôi miếu nhỏ ấy được tôn tạo khang trang để du khách tới lui cúng bái. Hàng năm, đến ngày giỗ ông Tăng Chủ và các lễ cúng đình, chúng tôi bày lễ cúng bạch hổ để ghi nhớ sự góp công cho quá trình bình định vùng đất Thới Sơn ngày nay” – ông Bùi Văn Băng cho hay.
Ngoài “Bạch Hổ Sơn Quân”, người dân vùng Thất Sơn vẫn còn lưu truyền nhau câu chuyện đánh nhau giữa bạch hổ trên núi Cấm và cọp vằn ở núi Bà Đội Om. Theo dân gian, bạch hổ núi Cấm là cọp tu nên không làm hại dân lành. Ngược lại, cọp vằn núi Bà Đội Om là giống hung tợn, thường hay nhiễu hại dân sinh. Vì thế, đã có những cuộc chạm trán giữa 2 đàn cọp có lãnh địa sinh sống khá gần nhau này để bảo vệ người dân.
Theo thời gian, loài hổ đã không còn tồn tại ở vùng đất An Giang hay miệt Thất Sơn hùng vĩ, nhưng huyền thoại về chúng vẫn đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng tâm linh của người dân. Qua đó, nhắc nhở thế hệ hôm nay về một thời khai sơn phá thạch, đương đầu với các thế lực thiên nhiên của cha ông trên vùng đất mới. Trong đó có huyền thoại về loài hổ đã từng được xem là “chúa sơn lâm” ở vùng đất bán sơn dã này.
THANH TIẾN