Hòa đàm Nga - Ukraine vòng 3 có thể diễn ra vào ngày 7-3

06/03/2022 - 19:10

Nga ra lệnh ngừng bắn một phần để mở hành lang nhân đạo tại Ukraine; Hòa đàm Nga - Ukraine vòng 3 có thể diễn ra vào ngày 7-3; EU đình chỉ hoạt động của Nga và Belarus tại Hội đồng Các quốc gia Biển Baltic… là diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.

Ukraine thông báo thời điểm nối lại vòng đàm phán hòa bình thứ 3 với Nga

Ông David Arakhamiya, một thành viên trong phái đoàn Ukraine cho biết, cuộc đàm phán ngoại giao thứ ba giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra ngày 7-3, TASS đưa tin.

Đài Sputnik dẫn lời ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn văn phòng Tổng thống Ukraine kiêm Trưởng đoàn đàm phán Ukraine, cùng ngày 5-3 cũng xác nhận việc hai phái đoàn gặp lại nhau trong “ít ngày tới”.

Theo ông Podolyak, trong cuộc gặp sắp tới dự kiến diễn ra lúc 15h00 ngày 7-3 (giờ địa phương), hai bên sẽ xem xét vấn đề hành lang nhân đạo đã được khởi động cần có sự điều chỉnh như thế nào.

nga-ukraine-damphan.jpg

Đại diện hai nước Nga và Ukraine (bên trái) bắt tay nhau trước khi bước vào vòng đàm phán thứ hai ở Belarus ngày 3-3. Ảnh: Tass

Trong khi đó, ông Alexey Polishchyuk, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga, nói với TASS rằng Moscow hi vọng vòng đàm phán ngoại giao thứ ba sẽ được tổ chức trong tương lai gần. Mặc dù ông không biết hai bên sẽ xúc tiến bao nhiêu cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề, xong phía Nga bày tỏ thái độ khá lạc quan.

Ngày 5-3, quân đội Nga thông báo đã ngừng tấn công vào lúc 10h sáng 5-3, tức 14h chiều cùng ngày tại Việt Nam, để người dân có thể sơ tán khỏi thành phố biển Mariupol thuộc CHND Donesk tự xưng.

Interfax cho hay các lực lượng vũ trang Nga đã thực thi lệnh ngừng bắn tạm thời và cục bộ từ để mở các hành lang nhân đạo tại các khu vực chiến sự, theo đúng thỏa thuận đạt được tại vòng hoà đàm thứ hai diễn ra ở Belovezhskaya Pushcha thuộc vùng Brest thuộc biên giới Belarus-Ba Lan hôm 3-3. Một nguồn tin cho biết, Nga đã ra lệnh ngừng bắn một phần để mở hành lang nhân đạo tại hai thành phố thành phố Mariupol và Volnovakha.

thanh-pho-ukraine-cau-cuu-jpeg-2505-1646434106.jpg

Những đám cháy trong một khu dân cư ở thành phố Mariupol, Ukraine sau các trận pháo kích hôm 3-3. Ảnh: Reuters

Thị trưởng Mariupol Vadim Boychenko cho biết lệnh ngừng bắn sẽ cho phép thành phố này bắt tay vào việc khôi phục nguồn cung cấp điện và nước, cũng như dịch vụ viễn thông. Ngoài ra, các quan chức địa phương cũng sẽ tìm cách phân phát thực phẩm và dụng cụ sơ cứu cho người dân.

Cũng trong cuộc họp báo tại Moscow ngày 5-3, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định ngay từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã sẵn sàng cung cấp các hành lang nhân đạo, cho cả dân thường tại các khu dân cư và cho các công dân nước ngoài ở lãnh thổ Ukraine.

Ông Larvov nhấn mạnh mục tiêu của các lực lượng vũ trang Nga là nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine có thể đe dọa LB Nga liên quan đến chiến dịch chống Nga mà chính quyền Ukraine đã theo đuổi suốt thời gian qua.

Còn Interfax ngày 5-3 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã điện đàm với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo "quân đội Nga đã tạo lập các hành lang để thường dân sơ tán khỏi những vùng mà lực lượng Nga kiểm soát" và nước này đã thiết lập đơn vị liên bộ, ngành để điều phối các hoạt động nhân đạo ở Ukraine.

Về phía Ukraine, Sputnik ngày 5-3 đưa tin, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định nước này sẽ nỗ lực thực hiện thỏa thuận về hành lang nhân đạo cho người dân, và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính hiện nay.

Trong khi đó, Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Herashchenko cho biết sẽ có thêm các thỏa thuận với Nga về việc thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán người dân khỏi các khu vực xung đột. Ông khẳng định sẽ có thêm các thỏa thuận tương tự cho các vùng lãnh thổ khác (sau Mariupol và Volnovakha như một số nguồn tin đã đưa).

Cùng ngày, RIA dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Belarus cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Belarus Vladimir Makei lên kế hoạch thiết lập các hành lang nhân đạo, cho phép người nước ngoài rời khỏi Ukraine.

Trước đó, Ủy ban châu Âu ngày 4-3 thông báo Liên minh châu Âu (EU) đang thiết lập các trung tâm nhân đạo ở các nước thành viên phía Đông gồm Ba Lan, Romania và Slovaki, đồng thời chuẩn bị các kho dự trữ y tế để gửi đến các trung tâm này nhằm hỗ trợ Ukraine.

Bên cạnh đó, EU cũng đang hỗ trợ các nước thành viên tiếp nhận trên 1 triệu người tị nạn Ukraine. Theo tuyên bố của Ủy ban châu Âu, các trung tâm nhân đạo sẽ giúp phân bổ các nguồn hỗ trợ của 27 nước thành viên EU thông qua Cơ chế Bảo vệ dân sự của EU.

Ông Janez Lenarcic, ủy viên phụ trách quản lý khủng hoảng của EU cho biết trong khi hơn 1 triệu người tị nạn Ukraine đã sang các nước láng giềng, vẫn còn nhiều người tại quốc gia Đông Âu này đang cần hỗ trợ. Ông kêu gọi thiết lập "các hành lang nhân đạo đảm bảo việc đi lại tự do và an toàn cho dân thường cũng như vận chuyển viện trợ nhân đạo”.

Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) Peter Maurer ngày 4-3 cũng nhắc lại các điều khoản trong Công ước Geneva, trong đó yêu cầu các bên phải bảo vệ dân thường. Điều này có nghĩa không được để dân thường tham gia vào các hoạt động quân sự và ngay lập tức tạo lối đi an toàn để người dân sơ tán.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu trong cuộc gặp gỡ các nữ nhân viên của các hãng hàng không ngày 5-3, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ hi vọng sau hai vòng đàm phán tại Belarus, giới chức Ukraine sẽ phản hồi tích cực với các đề xuất của Nga.

Tổng thống Putin thừa nhận quyết định triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là một "quyết định khó khăn". Ông giải thích rằng mục tiêu của hoạt động của Nga ở Ukraine là phi quân sự hóa và nước này có một địa vị trung lập.

Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh việc trao cho Ukraine một quy chế trung lập là điều quan trọng để ngăn Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

EU đình chỉ hoạt động của Nga và Belarus tại Hội đồng Các quốc gia Biển Baltic

Liên minh châu Âu (EU) cùng các nước thành viên Hội đồng Các quốc gia Biển Baltic (CBSS) ngày 5-3 thông báo đình chỉ các hoạt động của Nga và Belarus tại thể chế này, nhằm phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine cũng như sự can dự của Belarus.

council_of_baltic_sea_states_logo_050322.jpg

CBSS gồm các nước Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Iceland, Latvia, Litva, Na Uy, Ba Lan và Thụy Điển.

Trước đó, ngày 4-3, Ủy ban châu Âu (EC) cũng ra thông báo đình chỉ các chương trình hợp tác và nghiên cứu với Nga và Belarus, viện dẫn sự liên quan của hai nước này với tình hình Ukraine hiện nay.

Hiện Liên minh châu Âu (EU) đang tài trợ 178 triệu euro (tương đương 195 triệu USD) cho 8 chương trình hợp tác với Nga, nhằm hỗ trợ phát triển bền vững tại các khu vực biên giới. Quyết định tạm dừng các chương trình hợp tác, nghiên cứu với Nga của EU đồng nghĩa với việc các khoản hỗ trợ trên sẽ bị đóng băng và sẽ không có thêm thỏa thuận hợp tác nào được ký kết.

Ngoài ra, EU còn đình chỉ hợp tác với các tổ chức của Nga trong lĩnh vực nghiên cứu, khoa học và đổi mới, trong đó, có 4 dự án đang trong giai đoạn chờ phê duyệt. Tương tự, EU cũng sẽ dừng 2 chương trình hợp tác với Belarus trị giá 257 triệu euro.

Trong khi đó, ngày 4-3, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với lĩnh vực lọc dầu của Nga và trừng phạt 91 thực thể tại 10 quốc gia hỗ trợ cho quân đội Nga.

Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ những quy định mới này nhằm vào lĩnh vực lọc dầu của Nga với những biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt và xác định 91 thực thể hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga.

Thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ có đoạn: “Những thực thể bị trừng phạt nằm ở Nga, Vương Quốc Anh, Estonia, Tây Ban Nha, Malta, Kazakhstan, Latvia, Belize, Singapore, và Slovakia”, và nhấn mạnh rằng những thực thể này đã hỗ trợ cho các cơ quan an ninh, lĩnh vực quân sự của Nga.

Cùng ngày 4-3, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đang xem xét các bước để giảm nhập khẩu dầu của Mỹ từ Nga, khi sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội đối với lệnh cấm nhập khẩu ngày càng tăng.

Theo Báo Công Lý