Ảnh minh họa tổn thương não do ổ sán não.
Sán não gây ra triệu chứng như người đột quỵ
Ông T.T.H (74 tuổi, Hà Giang) vốn khỏe mạnh bình thường, nhưng cách đây hơn 1 năm, vào ban đêm dậy đi vệ sinh, ông bỗng lên cơn co giật, mồm méo, mắt trợn. Sau 20 phút ông tỉnh lại. Sáu tháng sau, ông lại bị cơn co giật với triệu chứng trên, nhưng nửa tiếng sau cũng trở lại bình thường.
Ông H. cho biết, cả 2 lần rơi vào triệu chứng này, ông đều không đi viện. Đến tháng 1/2024, ông lên cơn co giật nặng cũng vào lúc nửa đêm về sáng. Ông được đưa đến Bệnh viện đa khoa Hà Giang, chụp CT não phát hiện có 3 ổ sán làm tổ trong não. Các ổ sán này lan rộng, có ổ đã vôi hóa. Sau đó, ông được chuyển xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị.
Ông H. có thói quen ăn tiết canh, thịt tái vào ngày mùng 1. Đặc biệt, trong ngày Tết, ông thường ăn tiết canh cả ngan và lợn, nhưng không ngờ món ăn này lại khiến ông mắc bệnh nặng như vậy. "Ban đầu tôi nghĩ mình bị đột quỵ chứ”, ông. H nói.
Ông N.V.T (65 tuổi, Bắc Giang) đã nhiều năm rơi vào trạng thái đau đầu, chóng mặt, đau bụng, đi nhiều bệnh viện nhưng không tìm ra bệnh. Sau đó, ông được một bác sĩ ở bệnh viện tư nhân nghi mắc sán não giới thiệu lên bệnh viện tỉnh.
Bệnh viện tỉnh giới thiệu ông xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị, tình trạng đỡ dần. "Gần đây tôi lại thấy co giật như động kinh, nghẹo cả đầu và cổ, nước mắt tràn ra không kiểm soát, chân tay run lẩy bẩy, nên đi khám và bác sĩ bảo tôi lại tái phát căn bệnh cũ”, ông T. cho hay.
Căn nguyên khiến các cơn “động kinh” của ông T ngày một nặng là bị sán làm tổ trên não.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, ông T. điều trị sán não từ năm 2016, nhưng chỉ được 3 đợt thì tự ý bỏ. Lần này ông vào viện trong tình trạng ngủ kém, đi lại khó, giật hai tay. Chụp cộng hưởng từ vẫn còn hình ảnh ấu trùng sán lợn ở trên não.
Thận trọng với tiết canh ngan, vịt, lợn nhà nuôi
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thời gian vừa qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm các bệnh ký sinh trùng, điển hình là những bệnh ấu trùng sán dây lợn và một số bệnh ký sinh trùng khác.
Nhiều bệnh nhân bị nhiễm sán não vào nhập viện trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, nhìn mờ và liệt nửa người, khiến gia đình tưởng bị đột quỵ. Những trường hợp này rất hay ăn rau sống, nem thính và thỉnh thoảng ăn tiết canh, thịt lợn tái.
"Các biểu hiện nhiễm ấu trùng sán lợn sẽ khiến nhiều người lầm tưởng sang trường hợp tai biến, đột quỵ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người và những di chứng khác kèm theo", bác sĩ Thọ nói.
Nhiều người dân đến viện luôn khẳng định ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm nên không thể bị nhiễm sán. Nhưng suy nghĩ này là chưa đúng. Tất cả các loại tiết canh dù là tiết canh lợn, dê, vịt… tự làm hay ăn ngoài hàng thực chất đều là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn, giun sán…
Bởi vì, trong quá trình cắt tiết, chế biến không bảo đảm dẫn tới vi khuẩn ở da, lông con vật dễ dàng xâm nhập vào máu. Bên cạnh đó, tiết canh vịt dù không có liên cầu khuẩn nhưng để hấp dẫn, người chế biến lại lấy những bộ phận của lợn chế biến làm nguyên liệu đánh tiết canh thì cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Một lý do khiến căn bệnh không khỏi dứt điểm là do bỏ dở quá trình điều trị và tiếp tục ăn đồ tái, sống.
Bác sĩ Thọ cho hay, người mắc sán não ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, như suy giảm trí nhớ, bệnh nhân tới nhập viện trong trạng nhớ nhớ, quên quên như bệnh nhân tâm thần. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng một ngày có 5, 6 cơn co giật toàn thân. Đặc biệt trường hợp nặng còn để lại di chứng là những nốt vôi hóa không mất đi, khiến người bệnh thỉnh thoảng đau đầu, giật cơ nhẹ.
Do đó, bác sĩ Thọ nhấn mạnh, với bệnh ký sinh trùng, người bệnh cần phải điều trị triệt để và còn tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, sự đáp ứng thuốc của từng bệnh nhân. Đồng thời, cần bỏ các món khoái khẩu như tiết canh, thực phẩm tái, sống để không mắc bệnh ký sinh trùng tấn công.
Theo Báo Nhân Dân