Hoài cổ với cà phê vợt

19/11/2022 - 08:35

 - Có một quán cà phê rất lạ ở TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang). Không biển hiệu, không tên, không bắt mắt, rộng rãi, mà vẫn nườm nượp khách đến uống. Kéo chân khách đến đây, bởi nhờ vào một thức uống đặc biệt, mang thương hiệu nửa thế kỷ của quán: Cà phê vợt.

Nghe danh cà phê vợt Hai Ngầu, muốn ghé thưởng thức, nhưng nếu không hỏi “thổ địa” thì khách lạ khó tìm được quán. Nằm nép mình bên hông cầu Ông Mạnh (phường Mỹ Xuyên), quán mở bán hơn 50 năm nay.

Quán rất cũ kỹ, tạm bợ, vách và mái tole sẫm màu theo thời gian. Không gian này “chống chỉ định” cho người thích cà phê sang chảnh, muốn góc chụp ảnh “sống ảo” tươi sáng, màu sắc.

Vài bộ bàn ghế gỗ đơn sơ càng làm không gian quán trầm hơn. Mỗi vật dụng như chất chứa câu chuyện riêng, nối liền quá khứ và hiện tại, xưa và nay.

Bà Hồ Thị Hạnh (69 tuổi) trải thanh xuân của mình dài cùng thăng trầm của quán. 51 năm trước, bà theo chồng về đây sinh sống. Lúc ấy, quán cà phê đã có sẵn, do cha mẹ chồng bà mở bán. Ông bà già dần, con cháu trưởng thành dần. Như lẽ tự nhiên, vợ chồng bà tiếp quản công việc kinh doanh. Mấy năm trước, chồng bà qua đời. Bà lại cùng con, cháu duy trì quán, ngày ngày quẩn quanh trong không gian quen thuộc.

Mọi thứ dần thay đổi, khi cách thức pha cà phê ngày càng hiện đại, phụ thuộc nhiều vào máy móc. Nhưng ở quán của bà Hạnh, vẫn là chiếc ấm pha cà phê như mấy chục năm trước. Khác chăng là bếp trấu đã được thay thế bằng bếp điện. Khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng, nguyên liệu trấu vận chuyển khó khăn, bà chọn bếp điện cho tiện, rồi sử dụng luôn đến nay.

Những chiếc vợt lọc cà phê là dụng cụ không thể thiếu của quán. Theo bà Hạnh, ưu điểm của phương pháp này là cà phê được pha chế nhanh hơn, số lượng nhiều hơn, không phải mất công chờ đợi như pha phin.

Nhưng cà phê nơi đây vang danh không chỉ vì cách pha chế  truyền thống, mà còn ở hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Bí quyết nằm gọn trong liều lượng nước, cà phê, được gia đình bà khám phá, lưu truyền nhiều đời.

“Nhìn dễ vậy chứ khó lắm à nhe. Tôi cho mấy đứa con, cháu bưng cà phê cho khách, thạo việc rồi mới hướng dẫn pha chế. Pha lỡ tay một chút thôi là hương vị khác liền” – bà Hạnh chia sẻ.

Cà phê đen sánh, nóng hổi, dậy lên mùi thơm dịu dàng xung quanh. Quán chỉ sử dụng một loại cà phê quen thuộc, được bán ở chợ nhỏ, chứ không chạy theo các loại thị trường ưa chuộng hoặc thương hiệu nổi tiếng. Hồi trước, mỗi ngày quán pha vài kg bột cà phê vẫn không đủ bán. Sau dịch bệnh, bà Hạnh bán ít lại, chỉ hơn 1kg thôi. Không có điều kiện đến quán thường xuyên, khách mua cả chai pha sẵn, đem về để tủ lạnh uống dần.

Quán nhỏ, mà đắt khách vô cùng. Nhân viên trong quán đều là con, cháu của bà Hạnh, luôn tay luôn chân dọn dẹp, phục vụ khách. Họ sẽ là thế hệ thứ ba, thứ tư gìn giữ quán truyền thống này.

Đôi bạn trẻ vừa tan ca sáng ở bệnh viện, hẹn nhau đến quán trò chuyện. Trong không gian nhỏ bé, tình cảm của họ lắng đọng bên ly cà phê, vô tình tạo nên một bức ảnh rất đáng yêu.

Gạt bỏ những hào nhoáng, hối hả của nhịp sống hiện đại, khách đến quán toàn tâm toàn ý thưởng thức hương vị cà phê, đúng nghĩa câu nói “đi uống cà phê”. Có gia đình 2-3 thế hệ đều ghé quán này, bị “nghiện” hương vị không thể tìm thấy ở nơi nào khác.

Không ít khách quen của quán là học sinh cấp III, thanh niên. Họ ưa chuộng cà phê sữa, món uống trung hòa vị đắng cà phê và vị ngọt của sữa.

Một người đàn ông trung niên chậm rãi thưởng thức ly “xây chừng” (ly cà phê nguyên chất). Ngồi mình ên, không lướt điện thoại, ông chỉ dành tâm trí vào món uống ưa thích, trong một buổi trưa vắng.

Xung quanh quán cà phê vợt ấy, là nhịp đời bình yên của Long Xuyên, một đô thị phát triển ở miền Tây Nam Bộ. Để rồi, nghe lòng mình thảnh thơi, lắng đọng, nhớ thương những ngày xưa cũ.

KHÁNH ĐĂNG