Hoài niệm Tết xưa ở đất kinh kỳ

15/01/2022 - 08:12

Tết là phong tục được duy trì qua bao nhiêu thế hệ cư dân nông nghiệp. Những nét phong tục Tết xưa qua những trang viết của các học giả nổi tiếng thời cận-hiện đại: Phan Kế Bính, Toán Ánh, rồi Lý Khắc Cung, Nhất Thanh… đã làm xao xuyến con tim bao người hậu sinh. Nhưng nay những hình ảnh Tết xưa đã trở nên sinh động, cụ thể qua các tư liệu ảnh và hiện vật được giới thiệu với công chúng trong Triển lãm “Tết Xưa” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức trong dịp xuân Nhâm Dần 2022.

Tái dựng một gian hàng Tết xưa.

Những hoài niệm Tết xưa ùa về thấm đẫm trong những ngày cận kề Tết nay, đặc biệt với những người “hồn muôn năm cũ” ở đất kinh kỳ…

­­­Đón Tết...

Từ ngày rằm tháng chạp, không khí Tết đã lan dần. Nhiều nhà đã lo chuẩn bị Tết sớm. Nhưng phải sau lễ cúng ông Công ông Táo mọi nhà mới thực sự chuẩn bị tiễn năm cũ đón năm mới. Các bà nội trợ lo mua dần (và chế biến dần) thịt mỡ, dưa hành, lo hậu cần thực phẩm cho mâm cỗ Tết. Cỗ Tết khác cỗ giỗ - nhiều món hơn, chế biến tinh vi cầu kỳ hơn - ngoài thịt gà, thịt lợn, măng, miến “như bình thường” còn có thể có thêm giò chả, bóng bì, thêm thịt bò kho gừng, thêm nồi cá kho, thêm món thịt đông, thêm đĩa giò thủ và không thể thiếu bánh chưng xanh. Ngoài mâm ngũ quả to hơn nhiều những ngày rằm, mùng một còn có thêm nhiều loại kẹo, bánh, mứt, các món chè: chè kho, chè con ong... Các món đồ ăn Tết ngày xưa đa phần được các bà, các mẹ tự nấu và cũng nhân đó mà dạy cho cháu gái, con gái những kỹ năng trong nội hàm (theo cách nói ngày nay) của chữ Công - chữ đầu trong Tứ đức của người phụ nữ: Công, Dung, Ngôn, Hạnh - trước khi cô gái về nhà chồng. Với riêng một dòng văn hóa ẩm thực tinh mỹ Thăng Long-Hà Nội lại càng kỹ. Không ham nhiều, mỗi thứ chỉ vừa phải, gia giảm cũng chỉ một chút, vậy mà làm nên một nét thanh lịch của Kinh kỳ xưa. 

Hoa đào được bán dọc phố. (Ảnh: Tư liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)      

Các “ông chủ” gia đình thì cùng nhau đi dựng cây nêu ở đình rồi mới về treo tràng pháo ở nhà. Dưới đất, gốc cây nêu thường có hình cánh cung rắc bằng vôi trắng, mũi tên hướng về phía đông. Theo truyền thuyết thì hình cây cung được Phật dạy cho dân chúng vẽ để răn đe đám ma quỷ từ biển đông không được xâm phạm quấy nhiễu con người. 

Ngày xưa, trang trí đón Tết trong nhà trang trọng nhất là câu đối đỏ rồi đến tranh Tết. Việc này cũng là “của” đàn ông. Nếu trong nhà có “người có chữ” có thể tự soạn (hoặc chọn) và (có thể nhờ người “chữ tốt”) viết câu đối mình ưng trên giấy đỏ để dán trước cửa, dán lên cột. Nếu cầu kỳ hơn thì mang lễ vật đến tận nhà người Nho học có danh tiếng để xin câu đối. Nội dung câu đối Tết đều chất chứa những hy vọng trong năm mới.

Một phụ nữ bán lá dong. (Ảnh: Tư liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) 

Tranh Tết xưa nổi tiếng ba “dòng”: Hàng Trống, Kim Hoàng và Đông Hồ. Hai phường Hàng Trống và Kim Hoàng làm tranh thờ với cách viền nét, tô màu tỉ mỉ công phu. Tranh Đông Hồ thì in từng mảng màu lớn với những chủ đề miêu tả chiến công đánh giặc, anh hùng dân tộc và đời sống xã hội. Trừ tranh Hàng Trống “bản địa”, tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng đều do các “lái tranh” mang về cho người Kẻ chợ. Khác với thôn quê, Tết ở Thăng Long còn có thêm nhiều thứ cầu kỳ hơn: tỉa và hãm bình thủy tiên sao cho những nụ hoa nở hàm tiếu đúng sáng ngày mùng một, chơi tiểu cảnh, chơi cây cảnh được cắt tỉa công phu thành “thế”... rồi còn cả những kiêng kỵ trong bày hoa đón Tết như không bày thêm hoa cúc, mẫu đơn, hoa trà hay sửa hòn non bộ...

Ngày 28 tháng Chạp, con cháu đi thăm mộ, “mời” người đã khuất về ăn Tết với gia đình. Ngày 29 là ngày bánh chưng. Nhà nhà nổi lửa đun bánh và nhớ về sự tích Lang Liêu. Ngoài ngõ đã thấy đì đẹt tiếng pháo tép của lũ trẻ. Mùi khói pháo thoang thoảng quyện mùi bánh chưng sắp dền trong làn bụi mưa xuân làm nao nao lòng người. Không khí Tết ấm áp đã tràn ngập, gần sát mọi người, mọi nhà lắm rồi...

Một hàng tranh Tết cổ truyền. (Ảnh: Tư liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) 

Ngày cuối cùng của năm là ngày dành để thu dọn nhà cửa, đánh rửa đồ thờ và sắp xếp lại bàn thờ, đặt cây cảnh, chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa ngoài trời với hương, hoa, xôi trắng và con gà giò ngậm bông hoa hồng. Ai cũng tắm tất niên “tẩy trần năm cũ” với nồi nước tắm thơm nồng hương nhiều lá cây - vị thuốc. Bữa cơm tất niên chiều ba mươi Tết ấm cúng và thiêng liêng. Những con cháu đi làm ăn xa cũng cố gắng về dự quây quần như một trách nhiệm với ông bà tổ tiên. 

Ăn Tết...

Đêm trừ tịch thức mong ngóng đến giờ khắc giao thừa, các bà, các chị, các cô chuẩn bị xúng xính quần áo, trang sức và trang điểm để đi lễ chùa, hái lộc, xin thẻ đầu năm. Ông và cha thì gói các đồng xu bạc vào phong bao giấy đỏ lì xì mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Mọi người quây quần vui vẻ nói đủ thứ chuyện trên đời nhưng bồn chồn nhất là lũ trẻ con mong được nghe tiếng pháo rồi tranh nhau nhặt những quả pháo rơi trong đám xác pháo hồng tươi và mùi khói pháo vẫn còn nồng nặc.

Một phụ nữ bán vàng, hương. (Ảnh: Tư liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Đúng giữa giờ Tý, giao thừa, khắp cả phố phường Thăng Long dậy ran tiếng pháo. Không nhà nào không đốt một tràng pháo. Xác pháo hồng được giữ ở sân suốt ba ngày Tết. Con cháu chúc thọ ông bà, lạy hai lạy chúc sức khỏe cha mẹ rồi đàn cháu nhỏ mừng rỡ nhét phong bao lì xì vào túi trong vạt áo mà có khi chẳng kịp nhớ chúng được người lớn chúc gì.

Cúng giao thừa và đốt pháo mừng năm mới xong thì chờ người “xông đất” rồi xuất hành. Người khách đầu tiên tới nhà “xông đất” trong năm mới thường được các gia chủ chọn và hẹn trước. Người đó là nam giới và còn phải hợp tuổi với chủ nhà, hợp mệnh với năm mới, phải là người có gia đình hòa thuận, yên ấm, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, phụ mẫu song toàn, đàn con thì đủ cả trai gái. Chủ, khách chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới: công việc thành đạt, nhiều tài lộc, nhiều sức khỏe, con cháu học hành tấn tới. Sau giao thừa, mọi người xuất hành hưởng khí lành trong tiết xuân, hái nhành lộc rồi lâng lâng hy vọng. Sáng ngày mùng một, bữa cơm đầu tiên của năm mới cũng trang trọng đầm ấm như bữa chiều ngày ba mươi, các thành viên gia đình lại ngồi ăn cùng nhau trong một không khí hòa thuận ấm áp và hơi có phần nghiêm cẩn của truyền thống gia phong.

Một gánh hoa Tết. (Ảnh: Tư liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) 

Trong những ngày Tết, mọi người sống với nhau bằng cái tình thiện, khiết, hòa, vọng - lương thiện, trong sạch, hòa hợp và hướng đến tương lai với nhiều hy vọng. Mọi người đều bỏ xích mích, không đánh, cãi nhau mà chúc nhau những điều tốt đẹp: phúc, lộc, thọ, khang, ninh, hòa, tiến, đạt, vạn sự như ý... Ba ngày Tết còn kiêng không quét nhà, không động thổ, phạt mộc. Tết của hành khất ở Thăng Long có lẽ “dễ chịu” hơn, dễ xin được hơn ở các nơi khác. Có khi chỉ cần đứng gần cửa gia chủ nói vài lời chúc Tết tốt đẹp là đã được cho. Câu “Khó đói chẳng lo ba ngày Tết...” xuất phát từ đây chăng ?

Chơi Tết...

Đi chúc Tết là việc vui không thể thiếu. Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy. Ngày mùng một Tết sang chúc tết họ nội, mùng hai đến họ ngoại và mùng ba đến chúc tết ân sư - người đã có công dạy cho mình kiến văn và đạo lý. “Lịch” chúc Tết vậy cũng là việc nghĩa đã thành đạo uống nước nhớ nguồn tốt đẹp được truyền trao. Người Thăng Long tôn trọng “lịch trình” này lắm.

Những người đàn ông bán tranh, ảnh “tân kỳ” và hộp rối giải trí. (Ảnh: Tư liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Ngày mùng ba, các nhà “tiễn” tổ tiên rồi “hóa vàng”. Ngày mùng bảy làm lễ hạ cây nêu. Các hội xuân thường mở sau ngày này và mọi người từng đoàn rủ nhau đi hội. Chỉ có ở gần Thăng Long và sớm nhất là hội Đồng Kỵ, hội chùa Phật Tích với truyền thuyết hoa mẫu đơn cùng mở ngày mùng bốn. Hội Cổ Loa, hội vật làng Mai Động, mở rừng hội chùa Hương cùng mở ngày mùng sáu, quan họ hội Lim ngày mười ba chính hội... và nhiều lắm. Hội muộn nhất có lẽ là hội làng Hoàng Mai - tận ngày 24 tháng 4 là ngày hóa của tướng quân Trần Khát Chân, vị thành hoàng được thờ ở đây. Mọi người rủ nhau đi hội không chỉ để cầu thần, cầu Phật phù hộ cho mình những điều an lành tốt đẹp mà còn là dịp để gặp và hàn huyên với người quen cũ, giao lưu mở rộng thêm các mối kết giao với người quen mới. Đi hội xuân còn là dịp nam nữ gặp nhau, trước lạ sau quen, cùng vui chơi, hò hát và nhiều người đã nên duyên. Chắc vì vậy nên sau Ăn Tết là Chơi Tết không kém phần háo hức chờ mong rồi náo nức đi dự, chẳng bao giờ thấy mệt, thấy chán mặc dù có khi tả tơi xem hội...

Một hàng bóng bay. (Ảnh: Tư liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Người Thăng Long cũng Ăn Tết - Chơi Tết như người dân ở các vùng quê khác trên đồng bằng sông Hồng. Nhưng nếu tinh thì vẫn thấy Tết Thăng Long có những nét riêng, rộn ràng, vui tươi, đầm ấm mà ẩn chứa những tinh tế của mình. Tết Thăng Long xưa không phô trương mà tinh tế, ý nhị. Tết Thăng Long xưa cũng nổi bật phong vị xứng đáng của cư dân một Kinh đô trong hành lễ với trời đất, tổ tiên, trong hành xử ở gia đình và cộng đồng. Nay, đó đã là hoài niệm về truyền thống của mảnh đất ngàn năm văn vật. Nhưng không thể tiếc nuối theo cách “thương nhớ” hàm hồ mà cần chắt lọc những giá trị đó để phát huy cho tương lai phát triển bền vững trên bệ đỡ của truyền thống tốt đẹp. 

Tái dựng một gian hàng Tết xưa.

Triển lãm “Tết Xưa”, qua tài liệu lưu trữ, được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) tổ chức, trưng bày hơn 100 phiên bản tài liệu, hình ảnh và tái dựng không khí và khung cảnh xưa trong những không gian tương tác với công chúng. Triển lãm mở cửa từ ngày 14/1 đến ngày 15/3 tại khu trưng bày Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5, Vũ Phạm Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo NGỮ THIÊN (Nhân Dân)