Tháng Chạp, tôi nhớ ông Chí, ông Quang, ông Bảy…, nhớ những người xóm Trại Làng quê tôi sớm lạnh mờ sương đạp thuyền kéo lưới dọc sông Châu Thành.
Bấy giờ tôi còn đang đi học, tung tăng bờ đê nhìn xuống mé sông, tháng Chạp hoa cải vàng nở rộ, rung rinh trong gió. Sau này lớn hơn, nghe Thái Bảo ca giọng khàn khàn: “Có một mùa hoa cải, nở vàng trên bến sông, em đương thì con gái, đợi anh chưa lấy chồng…” mà không sao quên được bức tranh quê với lời hẹn nặng tình trong câu hát.
Tháng Chạp, những cánh đồng ải trắng nằm phơi trong nắng từ tháng 10 tới tận cuối đông chờ ngày đổ nước. Khi con nước về, đồng lại ngập trắng mênh mông, sóng gợn theo từng cơn gió Bấc.
Tháng Chạp, trước khi nước đổ đồng, nhà nhà tát ao hồ bắt cá, người người thùng xô lấy bùn gieo mạ. Đường làng những ngày ấy ngập ngụa trong bùn đất, phân chuồng. Đi đâu cũng xộc mùi… tháng Chạp.
Tháng Chạp, bà ngoại cắm cọc căng dây ngoài vườn cho những bông thược dược nương nhờ khi bung cánh. Bố tôi đầu tháng không quên qua nhà ông Phàn mua ống giang về gác bếp để cuối tháng chẻ lạt gói bánh chưng.
Tháp Chạp hồi đó, anh Tuân hàng xóm qua nhà tôi xin báo về gói pháo. Những quả pháo cối to như bắp tay chờ đêm giao thừa bung nổ. Tôi theo anh Tuân ngồi ngoài hiên xem gói pháo. Mùi sinh pháo thơm nhức, tôi nghịch dại lấy trộm một ít trải thành một vệt dài, châm cho lửa cháy lan nhìn rất vui. Có lần, lửa cháy sém ống quần.
Nhà anh Tuân, ngoài pháo gói, năm nào vào đầu tháng Chạp bác Tuấn cũng mua đôi bánh pháo Bình Đà vỏ màu xanh lam, đôi cây pháo hoa vỏ cũng màu xanh lam hai đầu bịt giấy thiếc bạc dựng đứng hai bên bàn thờ.
Tháng Chạp, mẹ hong vại sành, phơi mẹt hành tím, phơi nia cải bẹ để tới rằm là muối, để Tết có đủ vị đủ sắc như câu ca truyền đời: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ…”
Tháp Chạp, ông Miện sau nhà đi chợ Cầu Ra tìm mua bức "cuốn thư Độc lập” và đôi câu đối đỏ về treo trên nóc ban thờ. Cuốn thư có chân dung Bác Hồ tỏa giữa đài sen, có hàng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” nên tôi gọi đó là cuốn thư Độc lập.
Tháng Chạp, bà Mây đi bán hương vòng, bà đi một vòng quanh xóm. Hương có loại 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày. Tôi lúc nào cũng đòi mẹ mua loại 7 ngày vì trẻ con lúc ấy vẫn nghĩ, hương còn cháy là còn Tết.
Tháng Chạp, mẹ đi chợ Rồng mua vải may quần áo mới cho đám trẻ đón Tết. Mẹ may miết trong đêm. Ngày đó đi học, mỗi lần tan lớp, tôi hát đi hát lại: “Sắp đến Tết rồi, về nhà rất vui, mẹ đang may áo mới, ai cũng vui mừng ghê...”.
Nói đến chuyện về nhà, đúng rồi! Tháng Chạp người xa quê nôn nao nhớ nhà, cứ rạo rực khấp khởi mất ngủ, đếm từng ngày hồi hương. Nói như nhà văn Vũ Bằng thì đầu tháng Chạp trở đi, có lơ là với Tết, tim vẫn cứ rộn ràng, háo hức, không biết làm gì trước, không biết làm gì sau, đi ra đi vào, ngoảnh đi ngoảnh lại là đến ngày cuối năm.
Theo VTC