Hoàn cảnh đáng thương của 2 phụ nữ nghèo

26/02/2019 - 07:51

 - Những phận đời nghèo vất vả mưu sinh quanh năm chỉ mong cuộc sống bớt cơ cực. Niềm mong ước bao năm chưa đến, bệnh tật đã sớm kéo đến, làm cuộc sống của họ càng khó khăn hơn gấp bội.

Tảo tần với gánh ve chai

Đến tổ 18, ấp Long Phú 2 (xã Long Điền B, Chợ Mới) hỏi bà Phạm Thị Nga (63 tuổi) chuyên thu mua ve chai gần như ai cũng biết. Bởi hàng ngày, dù nắng hay mưa bà vẫn một mình đẩy xe đi thu mua ve chai. Với bà, nghỉ 1 ngày sẽ không có tiền mua gạo, thuốc cho chồng. Vất vả nhưng bà Nga vẫn tìm thấy hy vọng phía trước, đó là sự giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc cho mượn vốn để bà có thể đi mua bán kiếm tiền mưu sinh. Dù nhọc nhằn nhưng nhẹ nhàng hơn các công việc trước đây là làm thuê, mướn. Niềm vui chưa tày gang, bao khó khăn bỗng kéo đến. Đó là lúc bà mắc bệnh xuất huyết bao tử, chồng bà (ông Nguyễn Văn Lợi) mắc bệnh thần kinh không ổn định. Mọi chi phí ăn uống, thuốc men của 2 vợ chồng đều nhờ vào công việc trét ghe mướn của người con trai.

Bà Nga và chồng

Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Long Phú 2 Phan Trọng Tín cho biết: “Nhà bà Nga ven sông gần bãi sửa chữa tàu ghe nên trước đây con trai bà có việc làm thường xuyên, mỗi ngày kiếm được 150.000-200.000 đồng, bây giờ ít việc lắm, có khi 5-7 ngày mới làm được 1 ngày. Do vậy, cuộc sống gia đình bà Nga vô cùng chật vật. Để có tiền chữa bệnh, gia đình phải cầm cố căn nhà là tài sản duy nhất, sau đó mượn tạm phần đất trống cất đỡ chỗ che nắng trú mưa. bệnh bao tử gần hết, bà Nga mắc thêm chứng sưng to ở 2 bên mặt và cổ. Dù được khuyên dùng thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh nhưng bà Nga ngán ngại chi phí đi lại và tiền thuốc phát sinh nên cứ chịu trận. Hôm nào mệt thì nghỉ, khỏe thì gắng gượng đẩy xe đi thu mua ve chai”.

Sống cô độc với căn bệnh tai biến

Cuộc sống không ai muốn nghèo, không ai muốn bệnh và càng không muốn sống cảnh cô độc không người thân, con cháu chăm sóc. Vậy mà tình cảnh ấy đã rơi vào cuộc đời của bà Trần Thị Đầm (64 tuổi, ngụ tổ 11, ấp Long Quới 1, xã Long Điền B, Chợ Mới). Trong căn nhà nền gạch, mái tole đã xuống cấp nhiều năm chỉ còn lại mình bà trơ trọi. Chồng bà mất hơn chục năm nay, để lại mình bà chăm lo 2 đứa con, rồi con gái đi lấy chồng, con trai không trụ nổi với công việc thợ hồ nên đã rời làng quê lên Bình Dương kiếm sống. Trước đây, bà Đầm còn có thể làm lặt vặt để nuôi sống bản thân nhưng từ khi cơn tai biến kéo đến làm bà nằm liệt giường thời gian khá dài. Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Long Quới 1 Nguyễn Ngọc Tuyết Tâm chia sẻ: “Khi bà Đầm bị tai biến nằm liệt giường nhờ chòm xóm hàng ngày giúp đỡ, người dẫn đến phòng khám đông y gần nhà châm cứu, người cho bữa cơm nên thời gian gần đây đã có thể đi đứng, nói chuyện được. Tổ nắm gạo tình thương tặng gạo nhưng bà rất khó khăn để tự di chuyển và nấu nướng, đành mua cơm hộp sống qua ngày. Tiền thì lâu lâu con mới cho 1 lần nên cuộc sống của bà bữa đói, bữa no”.

Bà Trần Thị Đầm

Chủ tịch UBMTTQVN xã Long Điền B Lê Hữu Dương cho biết: “Cả 2 gia đình đều thuộc hộ nghèo của địa phương nhiều năm nay, nhưng tình cảnh gia đình ngày càng khó khăn, đau ốm bệnh tật, đơn chiếc, nhà ở đã xuống cấp nhưng không đủ tiền để sửa chữa. Trước mắt, địa phương chỉ có thể đảm bảo các chế độ cơ bản cho hộ nghèo, khi có những phần quà, gạo của các nhà hảo tâm tặng thì dành phiếu ưu tiên, còn chi phí chữa bệnh, đảm bảo đời sống tốt hơn cho các gia đình rất cần đến sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái gần xa”.

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội- Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn- Chi nhánh An Giang.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG